Bấm ngọn
Sau khi mầm chính lên cao 20 - 25 cm, thì tiến hành bấm ngọn, chỉ để 4 - 5 cành cấp 1 toả đều xung quanh tạo thành bộ khung chính của cây.
Muốn cây trổ hoa một lượt cho đẹp thì tất cả những cành đã phát triển đúng mức của cây (trừ cành còn non) ta ngắt bỏ ngọn hết. Một thời gian sau số cành non sẽ xuất hiện cùng lúc để ra hoa chung một lần. Thời gian chờ đợi đó khoảng ba bốn tuần, có khi lâu hơn, tùy vào mỗi giống hoa.
Sau khi bấm ngọn khoảng 35 - 45 ngày (tuỳ vụ, tuỳ nhiệt độ, độ ẩm đất, lượng phân bón thúc cho cây và kinh nghiệm của người trồng cây) thì cây phát hoa.
Như vậy muốn có hoa hồng phục vụ tết Nguyên đán, và những ngày sau tết, đầu tháng giêng thì cần bấm ngọn cành non vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch hàng năm.
Vít cành
Uốn cong: Dùng dây thép căng 2 bên mép luống, buộc cố định vào cọc đóng ở 2 đầu để căng giây dây thép, chiều cao cọc từ 40 - 50 cm.
Khoảng cách từ gốc cây đến dây thép từ 15 - 20 cm, độ cao của dây thép tuỳ thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng của cây, sao cho vừa đủ tầm để giữ được các cành uốn cong, và cành không bị chạm đất, hạn chế mầm mống gây bệnh. Thường khi cành dài 40 cm vít cành cho ngọn chúi xuống, ngọn phải thấp hơn gốc.
Các cành sau uốn 3 - 4 tháng khi đó tương đối già thì nên cắt bỏ. Sau đó có thể nâng dần dây thép lên cho phù hợp với độ cao của cành uốn tiếp theo.
Bẻ gập cành: áp dụng cho những cành già, cành to, cứng hoặc những cành dùng làm cành mẹ, tại chỗ cần vít (cách gốc 30 - 40 cm) bẻ xoắn xuống sao cho vết xoáy không bị gẫy rời ra, chỉ làm gẫy phần gỗ không được làm gẫy phần vỏ.
Sau khi bẻ từ 5 - 7 ngày các mầm từ mắt ngủ phía dưới sẽ bật lên khá đều và nhiều, sau 60 ngày thu hoa.
Thường xuyên vặt bỏ cành, lá già, vàng úa, bị sâu bệnh, mặt khác hết sức bảo vệ và duy trì những cành lá còn lại không được cắt trụi cả cây, chỉ thu hoa ở những cành mầm có chiều cao > 70cm, đường kính > 0,3 cm những cành, mầm còn lại thì khi ra nụ cần vặt bỏ để nuôi dưỡng cây.