Trong giai đoạn từ 10/12-20/12, nhà vườn trồng sầu riêng tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông cần đề phòng tình trạng rệp sáp hại sầu riêng. Rệp có thể tấn công cả lá, hoa và quả của cây và gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.
Đặc điểm nhận biết rệp sáp gây hại trên cây sầu riêng
Rệp sáp - tên khoa học là Pseudococcidae có hình oval. Cơ thể phủ sáp màu trắng như bông, phía lưng hơi phồng lên, bụng phẳng.
Rệp trưởng thành đẻ trứng trong đệm sáp dưới bụng. Trứng hình bầu dục, màu vàng nhạt.
Ấu trùng mới nở màu vàng nhạt, rất linh hoạt và bò nhanh. Ấu trùng tuổi 1 chân dài, di chuyển nhanh, cơ thể chưa phủ bột sáp trắng.
Ấu trùng tuổi 2 chân ngắn hơn, di chuyển chậm lại, trên lưng xuất hiện bột sáp trắng.
Ấu trùng tuổi 3 chân càng ngắn hơn, di chuyển ít hơn, trên lưng phủ nhiều bột sáp trắng.
Sang giai đoạn trưởng thành, cặp tua xung quanh cơ thể rệp càng trở nên rõ ràng và lưng bắt đầu vồng lên.
Triệu chứng rệp sáp gây hại sầu riêng
Rệp sáp bám vào cuống quả non hoặc rãnh giữa các gai trên quả để hút dịch vỏ quả sầu riêng.
Ở giai đoạn quả non, nếu mật số rệp cao, quả sẽ bị biến dạng và rụng.
Ở giai đoạn lớn, quả phát triển kém và bị sượng.
Rầy tiết chất mật đường khiến nấm bồ hóng phát triển, làm vỏ quả bị đen.
Điều kiện thuận lợi để rệp sáp phát sinh gây hại
Rệp sáp ít di chuyển, chúng sống cộng sinh với kiến đen.
Kiến đen tha rệp từ nơi này sang nơi khác, từ cây này sang cây khác mỗi khi chỗ rệp đang chích hút đã cạn kiệt nhựa. Ngược lại, trong chất bài tiết của rệp có chứa nhiều chất đường mật làm thức ăn cho kiến.
Kiến, hoạt động canh tác của con người và nước tưới là 3 yếu tố chính làm lây lan, phát tán rệp.
Biện pháp phòng ngừa rệp sáp hại sầu riêng
* Biện pháp canh tác kỹ thuật:
Trong vườn sầu riêng, không trồng xen với cây trồng dễ nhiễm rệp sáp như mãng cầu, chôm chôm.
Sử dụng bả diệt kiến dưới đất và trên các vị trí phân cành của cây sầu riêng để diệt kiến nhằm hạn chế phát tán rệp sáp.
Không trồng với mật độ quá dày. Vệ sinh vườn sầu riêng thường xuyên, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán lá... để vườn luôn thông thoáng.
Chăm sóc chu đáo để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống đỡ với rệp.
Dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tủ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến.
Cắt tỉa cành thông thoáng sau khi thu hoạch.
* Biện pháp sinh học:
Bảo vệ thiên địch của rệp sáp như Bọ rùa Cryptolaemus montrouzieri Mulsant
* Biện pháp hóa học:
Nếu thấy xung quanh gốc có nhiều kiến có thể dùng thuốc rải xung quanh gốc hoặc xịt thuốc trừ sâu để diệt kiến, hạn chế không cho kiến tha rệp từ cây này sang cây khác.
Biện pháp trừ rệp
Sử dụng vòi phun nước áp lực cao phun lên quả bị rệp sáp, để rửa trôi rệp.
Tỉa bỏ những quả non bị nhiễm rệp.
Tham khảo 1 số hoạt chất BVTV để diệt rệp sáp:
+Abamectin 20.00g/l + Petroleum oil 250.00g/l
+Abamectin 1.00% + Petroleum oil 24.00%
+Abamectin 0.30% + Petroleum oil 88.00%
+Azadirachtin
+Beauveria bassiana 1x109 bào tử/ g + Metarhizium anizopliae 0.5 x 109 bào tử/g
+Buprofezin
+Celastrus angulatus
+Dầu hạt bông 40.00% + Dầu đinh hương 20.00% + Dầu tỏi 10.00%
+Sodium pimaric acid
+Thiamethoxam
Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV
Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời nhất là ở giai đoạn cây đang có bông, quả non, quả đang phát triển.
Ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi các biện pháp phòng trừ khác không hiệu quả.
Phun trực tiếp vào chỗ có rệp bu bám. Ở giai đoạn quả già sắp chín nếu có xịt thuốc phải chú ý bảo đảm thời gian cách ly của thuốc để giữ an toàn cho người ăn.
Sử dụng thuốc BVTV cần đọc kỹ thông tin trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.
Phun thuốc khi trời nắng ráo, khô sương, không phun thuốc khi nhiệt độ và độ ẩm cao. Phun buổi sáng hoặc chiều tối.
Kiểm tra những loại cây ký chủ khác trong vườn để phun thuốc diệt rệp, tránh để chúng lây lan sang cây sầu riêng.