Thời vụ giâm cành
Thực hiện tốt nhất là ở vụ Xuân tháng 2 - 4 và vụ Thu tháng 8 - 10.
Ở thời vụ này cây giống nhanh ra rễ và tỷ lệ sống cao.
Chuẩn bị trước giâm cành 5-7 ngày
Dụng cụ giâm cành: Bầu nilông có đường kính 45 cm hoặc khay nhựa có lỗ 4 - 5 cm, sâu 4 - 5 cm hoặc khay không có lỗ sâu 5 - 7 cm.
Chuẩn bị giá thể: Giá thể giâm cành gồm: 2/3 trấu hun + 1/3 đất đồi (hoặc cát vàng hoặc đất phù sa); hoặc dùng 100% trấu hun còn giữ nguyên cánh.

Chuẩn bị cành giâm:
_1639840943.png)
Chọn cây sinh trưởng phát triển tốt, có hoa được nhiều người yêu thích để cắt cành giâm.
Chọn cành bánh tẻ khỏe, mập, thẳng, sạch sâu bệnh, cành không quá già hoặc quá non.
Chọn loại cành mang hoa đang ở giai đoạn sử dụng. Khi cắt cành chỉ lấy đoạn giữa, bỏ đoạn ngọn và gốc.
Cắt thành từng đoạn dài 8 - 10 cm, trên mỗi đoạn có từ 2 - 3 mắt (chọn loại mắt ngủ bắt đầu nảy lên bằng hạt tấm).
Cành cắt vát khoảng 30 độ, không để vết cắt bị dập nát.

Mắt dưới cùng cắt sát mắt ở phía dưới (cắt bằng), mắt trên cùng cắt phía trên mắt khoảng 0,5 cm, mắt này giữ 2 - 3 lá chét ở cuống mắt lá trên (khi cắt đặt kéo sát lá).
Thuốc giâm cành:
Dùng IAA và NAA nguyên chất, nồng độ pha 1800 ppm/ 1 lít nước sạch. 1 gói 5 gram pha 1,5 lít cồn 90 độ, hoà thật tan sau đó đổ thêm 1,5 lít nước.
Bạn có thể thay 2 chất trên bằng thuốc kích thích ra rễ (N3M, Atonic, Boutormore…), pha theo nồng độ hướng dẫn trên bao gói.

Kỹ thuật giâm cành
Bước 1: Cành giâm sau khi cắt xong đem nhúng nhanh vào dung dịch thuốc đã pha sẵn trong 3 - 5 giây rồi đem cắm ngay vào giá thể đã được đóng sẵn trong bầu hoặc khay nhựa.
Bước 2: Giâm cành thẳng đứng, theo một chiều, sâu 1- 1,5 cm, cành cách cành 4 - 5 cm. Giâm trong khay có lỗ hoặc trong bầu nilông thì mỗi lỗ hoặc bầu giâm 1 cành.
Bước 3: Giâm xong phun phòng nấm bằng Anvil + đồng Oxyclorua, nên phun vào chiều mát, sau phun 3 tiếng mới tưới. Bạn có thể sử dụng thuốc thảo mộc tự chế để phun.
Chăm sóc sau giâm
Ánh sáng
Đặt chậu nơi nhiều ánh sáng.
Làm giàn che nắng mưa cho cây con.
Tưới nước
Độ ẩm giá thể trong 3 ngày sau giâm đạt 95%, sau đó giảm xuống 80 - 90%.
Nên lắp hệ thống tưới phun tự động, hoặc dùng bình phun nhẹ lên toàn bộ mặt luống khoảng 50 giây. Mùa khô, cứ 30 - 40 phút tưới 1 lần, mùa ẩm cứ 50 - 60 phút tưới 1 lần. Đảm bảo mặt lá luôn luôn có nước.

Ẩm độ giá thể thấp hơn ẩm độ không khí 10% là thích hợp cho quá trình hình thành mô calus.
Bón phân
Sau giâm 5 - 10 ngày cần phun lên cành giâm chất kích thích sinh trưởng như Atonik 1,8 DD-10 ml/ bình 8 lít, hoặc phân qua lá Thiên Nông.
10 ngày sau phun lại lần nữa.
Mỗi lứa giâm phun khoảng 2 lần.
Chăm sóc khác
Thường xuyên nhặt bỏ những cành lá úa.
Phòng trừ sâu bệnh: Nên phun phòng là chính. Sâu bệnh thường có là nhện đỏ, rệp, bệnh phấn trắng, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt. Bạn có thể dùng thuốc thảo mộc tự chế để phun phòng, 5 ngày 1 lần.
Cây giâm đủ tiêu chuẩn trồng
Sau giâm từ 20 - 30 ngày, cây ra rễ có thể đem trồng.
_1639840578.jpg)
Rễ ra đều xung quanh, chiều dài rễ đạt từ 3 - 4 cm, còn lá, mầm bật từ 2 - 4 cm, không có vết sâu bệnh.
Khi đưa cây đi trồng, lấy cây ra khỏi khay nhưng vẫn còn giữ nguyên bầu.
