Cách giâm cành

Nông dân Việt

Member
Thành viên BQT
Làm vườn ươm

Chọn khu đất vườn bằng phẳng, gần nguồn nước tưới, không bị ngập úng nước.​

Làm nhà giàn cao 2,5 - 3,0 m, căng lưới sắt hoặc lưới cước xung quanh để ngăn động vật phá vườn.​

Che phủ lưới đen trên mái cắt giảm 50% ánh nắng (theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, hàng Trung Quốc, Thái Lan: 50%, 60%, 70%). Số lượng m² được áp dụng theo định mức số 1865 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mục cây hoa trồng chậu, số m² tương ứng tỷ lệ 1,2 lần.​

Dọn sạch cỏ dại, đóng bầu xếp thành luống rộng 1 m, rãnh rộng 45 cm.​

Làm vòm khum để che phủ nilon cho từng luống, độ cao vòm 70 - 80 cm.​

Chuẩn bị giá thể

Giá thể dùng để giâm cành đỗ quyên phải tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt, nhưng có tính giữ ẩm cao.​

Có thể sử dụng các loại giá thể như đất đồi trộn với xơ dừa theo tỉ lệ 70% đất đồi và 30% xơ dừa.​

Trước khi giâm cành 7 - 10 ngày, sử dụng Viben C 10% pha tỷ lệ 25 gram/10lít nước phun đều lên bề mặt giá thể.​

Đóng giá thể vào bầu nilon đen có kích thước 8 x 10 cm và xếp các bầu sát nhau để tiết kiệm diện tích và dễ chăm sóc.​

đóng bầu cành giâm_1653466234.png

Đóng giá thể vào bầu.

Thời vụ giâm cành

Cây hoa đỗ quyên có thể giâm cành quanh năm. Tuy nhiên, thời vụ giâm tốt nhất là vào vụ Xuân (tháng 3) và vụ Thu (tháng 9), ở 2 thời vụ này cây giống nhanh ra rễ và cho tỷ lệ sống cao.​

Chọn cắt và xử lý cành để giâm

Chọn cành giâm

Cành đỗ quyên được chọn để lấy cành giâm cần đảm bảo các tiêu chuẩn sau:​

Cành giâm được cắt từ cây đỗ quyên mẹ sinh trưởng phát triển tốt, hoa đẹp, không bị sâu bệnh hại và ít nhất được 3 năm tuổi trở lên.​

Cành giâm là cành bánh tẻ, không quá non, không quá già.​

Chọn những cành đỗ quyên ngoài bìa tán, không có sâu bệnh, có bộ lá xanh tốt.​

Chiều dài cành giâm 10 - 12 cm, đường kính cành giâm 0,15 - 0,20 cm.​

Tỉa bỏ 1/3 lá ở phía cuối của cành giâm.​

cành giâm_1653465567.png

Cành giâm đạt tiêu chuẩn.

Xử lý cành để giâm

Cành đỗ quyên sau khi được cắt cần được nhanh chóng đưa đến nơi giâm cành để tiến hành giâm.​

Nếu cắt cành đỗ quyên ở một nơi và giâm ở một nơi cách xa nhau (hai địa điểm của vườn khác nhau) thì cần có biện pháp bảo quản cành giâm để khi tiến hành giâm cành vào giá thể vẫn đảm bảo độ tươi, để làm được như vậy chúng ta cần:​

Chuẩn bị sẵn khăn ướt sạch, hoặc thùng xốp trước khi đi cắt cành.​

Cành đỗ quyên sau khi cắt, phun ướt đều bằng nước sạch (sử dụng bình phun sương) hoặc nhúng cành vào nước sạch cho ướt rồi cho vào khăn ướt quấn lại, hoặc xếp vào trong thùng xốp.​

Làm như vậy cành giâm sẽ được cung cấp độ ẩm, không bị mất nước, cành tươi lâu.​

Cách pha và sử dụng chất kích thích ra rễ

Đỗ quyên là loại cây thân gỗ rất khó ra rễ, để kích thích cành giâm ra rễ nhanh, có thể sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng là αNAA hoặc IBA nồng độ 1.500 ppm.​

Pha thuốc nguyên chất bằng cồn 70 độ (10 gram thuốc pha với 100 ml cồn) để hoà tan thuốc sau đó mới pha 1.500 ml nước lọc.​

Sau khi cành cắt xong đem nhúng vào dung dịch đã pha sẵn từ 30 - 60 giây rồi cắm vào giá thể.​

thuốc giâm cành_1653465705.png

Thuốc giâm cành.

Cách giâm cành

Cành giâm sau khi cắt, đem nhúng vào thuốc rồi giâm vào giá thể được đóng sẵn trong bầu nilon.​

Cắm cành đứng thẳng, sâu từ 2 - 3 cm. Mỗi bầu chỉ nên giâm 1 cành để không ảnh hưởng đến quang hợp và hạn chế nấm bệnh phát sinh.​

giâm cành trên luống_1653465729.jpg

Vòm che trong vườn ươm.

Chăm sóc cành giâm

Cường độ ánh sáng cho chất lượng cành giâm tốt nhất là 14.000 lux, do vậy khi giâm cần che bớt ánh sáng trực xạ bằng lưới đen loại giảm 50% ánh sáng trong giai đoạn đầu mới giâm, kết hợp với nhặt bỏ những lá úa vàng của cành mới giâm.​

Che phủ kín nilon trắng cho cành giâm (dùng vòm thấp che kín như che mạ xuân) để hạn chế sự thoát hơi nước của cành giâm và giảm lượng nước phun tưới hàng ngày. Thời gian che phủ nilon cho cành giâm từ 30 - 40 ngày, che cả ngày đêm.​

Tưới nước: Giâm xong phải tưới đẫm giá thể, những ngày đầu mới giâm cành thường xuyên tưới nước giữ ẩm (dùng bình phun sương để tưới), nếu trời râm mát tưới ngày 1 lần, còn trời khô hanh tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều mát. Khi cành giâm ra rễ bỏ nilon che phủ và giữ ẩm bầu đất bằng tưới doa từ 3 - 5 ngày/lần tùy thuộc vào thời tiết.​

Sau khi giâm được 2 - 3 tuần, dùng Atonik 1,8% DD với liều lượng 10ml/bình 8 lít để phun lên cành giâm, kết hợp với phân bón lá AT vi sinh 0,1%, định kỳ 10 ngày/lần (1 bình/100 m² vườn giâm), giúp cho cành giâm mau ra rễ, bật lộc sớm, tỷ lệ xuất vườn cao.​

Phun định kỳ 10 ngày/ lần bằng thuốc Anvil 5SC pha 12 - 15 ml/bình 8 lít, Antracol 70WP pha 20 - 30 gram/bình 8 lít để phòng trừ nấm bệnh phát sinh.​

Tiêu chuẩn cây giống giâm cành

cây giống giâm cành_1653465513.png

Khi cành giâm được 2,5 - 3,0 tháng lúc này bộ rễ đã phát triển đều, cành giâm có chiều cao từ 12 - 15 cm, đường kính cành 0,20 - 0,25 cm. Cây có lộc mới có thể xuất vườn đem trồng.​

Th.S Trần Văn Tam

Trung tâm NC & PT Hoa, Cây Cảnh
 
Back
Top