Cách thu hạt
Chọn hạt làm giống từ những cây sinh trưởng khỏe, không hoặc ít bị nhiễm sâu bệnh hại.
Hạt được thu ở giai đoạn chín thành thục (hạt chín thành thục là hạt của những quả có mặt trong của lớp vỏ quả đã hóa màu nâu cánh gián).
Hạt đạt độ già, đủ tiêu chuẩn gieo ươm.
Thông thường những giống H2, 695 và D4 là những giống được chọn để nhân giống cho gốc ghép.
Xử lý và gieo hạt
Hạt sau khi thu nên hong khô trong mát, tránh phơi nắng.
Sau khi thu hoạch 15 - 20 ngày thì nên tiến hành xử lý hạt ngay để đảm bảo được sức nảy mầm. Hạt để càng lâu thì sức nảy mầm càng giảm.
Ngâm hạt trong nước lạnh (không cần nước ấm) trong thời gian 48 - 72 giờ, khi thấy có một số hạt nứt ra là được.
Mỗi ngày rửa chua 2 lần vào buổi trưa và tối. Mỗi lần rửa 2 lần nước.
Hạt nứt sau khi ngâm nước.
Sau khi ngâm xong, rửa sạch, vớt ra để ráo nước và xử lý hạt qua thuốc nấm, sau đó gieo vào luống.
Hạt nứt nảy mầm sau khi ngâm vào nước.
Luống gieo bằng cát sạch, tốt nhất nên xây thành xung quanh hoặc be thành để tránh khi tưới cát sẽ trôi ra ngoài.
Gieo hạt trên luống cát.
Gieo hạt trực tiếp vào bầu.
Gieo hạt bằng cách rải đều hạt trên bề mặt luống, hoặc gieo thành hàng. Yêu cầu hạt cách hạt 2cm (tương đương 7 - 10 kg hạt/m2), tránh gieo sát nhau khi nhổ cây sẽ kéo theo cả hạt chưa nảy mầm.
Khi gieo, để phần cuống hạt hướng lên phía trên, phần rốn hạt xuống dưới đất. Gieo xong, phủ lên hạt lớp cát mỏng 2 - 3cm. dùng vòm che nilon phủ lên luống gieo hạt để giữ ẩm, tránh mưa, nắng trực tiếp. Rải thêm thuốc chống kiến trên mặt luống.
Tưới nước giữ ẩm 2 lần mỗi ngày.
Dùng lưới sắt phủ trên mặt luống nhằm ngăn chặn sóc và chuột phá hoại. Thường xuyên kiểm tra kiến trong luống gieo.
Sau gieo 1 tháng hạt bắt đầu nảy mầm, Thời gian để lô hạt nảy mầm hết có thể kéo dài 3 đến 4 tháng.
Hạt mắc ca nảy mầm phát triển thành cây con.
Tỷ lệ hạt nảy mầm tùy thuộc vào chất lượng của lô hạt và biện pháp gieo ươm. Lô hạt tốt (hạt mới thu, lớn), gieo ươm tốt có thể nảy mầm đến 75 - 80%
Lưu ý
Có thể gieo trực tiếp hạt vào bầu đất. Hạt sau khi ngâm, lựa chọn những hạt nứt để cắm trực tiếp vào bầu ươm, số hạt còn lại ủ vào luống cát, tưới nước và giữ ẩm hàng ngày.
Sau khoảng 3 - 4 tuần, moi hạt kiểm tra, chọn những hạt nảy mầm cấy vào bầu, những hạt chưa nảy mầm tiếp tục ủ cát và kiểm tra sau mỗi tuần cho đến khi hết hạt nảy mầm.
Dùng màng lưới che bầu đã cắm hạt để ngăn sóc, chuột phá hoại.
Cấy cây vào bầu
Chọn cây mầm có 2 - 4 lá, phát triển bình thường, không sâu bệnh.
Dùng tay hoặc dụng cụ bới cát để bứng cây mầm, làm nhẹ nhàng tránh đứt rễ và không để hạt bị đứt rời khỏi cây mầm.
Dùng que nhọn dẹt có bề rộng 2 - 3 cm (cây cấy) chọc một lỗ chính giữa bầu đất. Kích thước lỗ lớn hơn đường kính chùm rễ và hạt của cây mầm, chiều sâu của lỗ cấy sâu hơn chiều dài bộ rễ; đưa phần rễ và hạt cây mầm xuống lỗ đã tạo, giữ cho cây thẳng đứng, dùng cây cấy ép nhẹ đất hai bên ôm lấy bộ rễ và hạt cây mầm. Khi ém đất, lưu ý ém từ dưới lên trên để tránh bị rỗng đất, rễ không tiếp xúc được, luống cây được tưới nước ngay sau khi cấy.
Trước khi cấy cây các luống bầu đều phải được tưới nước vừa phải để đất đủ ẩm từ chiều hôm trước.
Cây mầm mắc ca ươm trên luống cát.
Chăm sóc gốc ghép
Tưới nước sạch cho cây 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối. Lượng nước tưới 5 - 6 lít/m2.
Định kỳ làm cỏ, phá lớp váng bề mặt bầu, phun thuốc phòng chống bệnh thán thư, sâu ăn lá.
Bón thúc bằng phân NPK (13:13:3), phân được ngâm, bóp nhuyễn, khuấy đều với nước tạo dung dịch tưới có nồng độ 1% (tỷ lệ pha 10 gram phân/1 lít nước). Lượng tưới 5 - 6 lít/m², sau tưới phân thì tưới lại bằng nước sạch để rửa lá.
Gốc ghép được nuôi dưỡng 10 - 12 tháng tuổi tiến hành phân loại những cây khoẻ mạnh, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh được chuyển xếp thành luống riêng trước khi ghép 1 - 2 tháng.
Cây gốc ghép đạt tiêu chuẩn: đường kính gốc trên 0,8 cm, chiều cao cây trên 0,5 m.
Cây thực sinh làm gốc ghép.