3 ngày xảy ra 72 điểm cháy rừng
Theo Hệ thống giám sát bằng vệ tinh của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, từ ngày 13/4-15/4, ghi nhận 25 tỉnh miền Bắc xuất hiện 72 điểm cháy rừng. Nhiều nhất là Lạng Sơn 18 điểm; Tuyên Quang 8; Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên mỗi nơi 6 điểm.
Mới đây nhất, chiều 16/4, trên một ngọn núi ở phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng (Hà Nam) xuất hiện đám cháy và bắt đầu lan rộng. Theo một số người dân, đám cháy bắt nguồn từ bên kia núi thuộc địa phận Hòa Bình và cháy lan sang khu rừng thuộc địa phận phường Ba Sao.
Lực lượng chức năng thị xã Kim Bảng đã huy động gần 400 người tham gia chữa cháy.
Sáng ngày 17/4, ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết, lực lượng chức năng đã khống chế hoàn toàn vụ cháy rừng xảy ra tại địa bàn phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng.
Vụ cháy rừng ở Hà Nam hôm qua chỉ là 1 trong rất nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở các tỉnh miền Bắc trong gần 1 tháng trở lại đây.
Trước đó, ngày 21/3, cánh rừng trồng và rừng tự nhiên ở xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bốc cháy, thiệt hại hơn 20 ha.
Trong tháng 4, số vụ cháy rừng tăng lên, khi liên tiếp cháy rừng xảy ra. Theo đó, ngày 12/4 - 15/4, tại tỉnh Quảng Ninh xảy ra 3 vụ cháy rừng tại huyện Bình Liêu, TP. Hạ Long và TP. Uông Bí. Thống kê sơ bộ làm thiệt hại trên 43 ha rừng, chủ yếu là cây bụi, quế, keo, thông.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng tại các địa phương: Đông Triều, Bình Liêu, Tiên Yên với tổng diện tích rừng bị thiệt hại gần 49 ha. Trên toàn tỉnh còn xảy ra 59 điểm cháy liên quan đến cây gãy đổ sau bão, cháy thực bì và diện tích sau khai thác, với tổng diện tích thiệt hại lên tới hơn 600 ha.

Cả ngọn đồi tại Khe Mu, huyện Bình Liêu cháy rực trong đêm 12/4. Ảnh: Người dân cung cấp
Đêm 15/4, một vụ cháy rừng tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng đã thiêu rụi 30 ha rừng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân đốt lá cây, lớp thực bì dầy gặp gió gây ra cháy rừng trồng.
Còn tại tỉnh Cao Bằng, từ ngày 13/4 đến nay, xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. Đơn cử, ngày 13/4, từ một điểm đốt cỏ voi của người dân đã khiến 10 ha rừng phòng hộ tại xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa bị thiêu rụi.
Tiếp đó, vào chiều 14/4, vụ cháy rừng xảy ra tại khu đồi Bó Mu và đồi pháo C20, phường Hòa Chung (TP. Cao Bằng), thiêu rụi rừng bạch đàn tái sinh và cây gỗ tự nhiên. Cùng ngày một đám cháy rừng tại huyện Hòa An cũng xảy ra, hàng chục người phải tham gia dập lửa.
Tại Bắc Giang, ngày 12/4-13/4 huyện Sơn Động xảy ra 7 vụ cháy rừng tại các xã An Lạc, Yên Định, Phúc Sơn, Giáo Liêm, Vân Sơn, Hữu Sản gây thiệt hại hàng chục ha rừng trồng và một phần rừng tự nhiên. Huyện Sơn Động đã dừng tất cả hoạt động trải nghiệm, dã ngoại tự phát trong rừng để đảm bảo an toàn.
Tại Lạng Sơn, chiều 14/4 lửa bùng phát hai điểm ở khu 3, thị trấn Na Sầm và thôn Thanh Hảo, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lăng. Địa phương đã huy động công an, quân đội cùng lực lượng tại chỗ dập lửa. Trong đêm, đám cháy được khống chế, tổng thiệt hại hơn 1,3 ha rừng.
Cảnh báo nguy cơ cháy rừng đối với 90 vùng
Trước hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra, ngày 15/4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm đã phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng đối với 90 vùng. Trong đó, 55 vùng cảnh báo cấp độ IV (cấp độ nguy hiểm) thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau. Đồng thời có 35 vùng cảnh báo cấp độ V (cấp độ cực kỳ nguy hiểm) thuộc các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... Các khu vực này đều có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài.
Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, nguyên nhân cháy rừng liên tiếp gần đây chủ yếu do thời tiết hanh khô kéo dài bất thường, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Đợt hanh khô năm nay kéo dài hơn chục ngày, khiến vật liệu dễ bắt lửa, kết hợp với gió làm lửa bùng phát và lan nhanh. Ảnh hưởng từ bão số 3 (Yagi) năm 2024 khiến nhiều cây gãy đổ, tạo nguồn vật liệu cháy lớn. Cùng thời điểm, người dân miền núi vào mùa đốt nương làm rẫy.

Hệ thống quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin của của Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm. Ảnh: Chụp màn hình
Ngày 13/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả do cháy rừng trên địa bàn phường Đại Yên, thành phố Hạ Long và thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ cháy rừng phường Đại Yên, thành phố Hạ Long và Thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Công điện nêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng,
Các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn chủ động rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng tại chỗ trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động các phương án hỗ trợ cao nhất cho công tác chữa cháy rừng trên địa bàn đóng quân, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia chữa cháy rừng khi có đề nghị của địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ động chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc.