Hiện nay, các nhà vườn canh tác sầu riêng đang gặp khó trong vấn đề quản lý cháy lá sau khi cây xổ nhụy, chạy trái dẫn đến cây suy kiệt, khả năng nuôi trái kém thậm chí trơ cành. Do đó, Quý bà con cần chủ động quản lý sớm, phòng ngừa để đảm bảo năng suất và chất lượng. Dưới đây là một số nguyên nhân chính có thể dẫn đến tình trạng cháy lá giai đoạn sau xổ nhụy và nuôi trái:
Thiếu nước và độ ẩm không đủ: giai đoạn sau xổ nhụy 1 tuần có thể nhấp nước và duy trì độ ẩm giúp cây quang hợp tốt, nếu không tưới đủ nước, cây dễ bị stress đặc biệt vào thời điểm nắng nóng kết hợp với việc nuôi trái làm cho cây dễ bị cháy lá và rụng.
Điều kiện thời tiết: Thời tiết khắc nghiệt, nắng gắt, hoặc gió mạnh cũng gây ra tình trạng cháy lá đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ ban ngày, ban đêm hoặc bị sương muối làm cây bị stress nặng dẫn đến tình trạng cây bị cháy lá và suy cây.
Giải pháp: Kết hợp tưới đủ ẩm cho cây hoặc có thể phun nước toàn bộ tán lá vừa rửa nhện (nếu có) hoặc có thể phun các dòng sản phẩm chống sốc, các chất điều hòa sinh trưởng Brassinolide.
Đất đai, thổ nhưỡng: đất có pH thấp, bị chua, nghèo hữu cơ, hoặc bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến sự hấp thu nước và dinh dưỡng, cây cũng bị cháy lá
Giải pháp: Khi trái 35 - 40 ngày có thể đi phân hữu cơ viên hoặc bổ sung hữu cơ dễ hấp thu trước đó giúp rễ phát triển, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng. Giữ cỏ vào mùa nắng và tưới nâng pH bằng các sản phẩm chuyên dụng, cân nhắc khi sử dụng vôi đá trong giai đoạn này
Thiếu dinh dưỡng: trước khi xổ nhụy bà con ít cung cấp dinh dưỡng hoặc sau xổ nhụy 1 - 2 tuần, bà con sợ cây đi đọt nên không cung cấp dinh dưỡng kịp thời dẫn đến cây thiếu hụt dinh dưỡng đặc biệt các nhóm dưỡng chất kali, canxi, bo, magie làm lá bị yếu và cháy.
Giải pháp: Trước khi xổ nhụy 7 – 10 ngày cần cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa trung vi lượng đặc biệt Kali, Canxi, Bo, Magie…giúp cây có đủ dinh dưỡng để nuôi trái. Lưu ý không đi phân thúc trái trước 40 ngày đối với Ri6 và 55 ngày đối với Monthong. Có thể cung cấp các dưỡng chất trung vi lượng qua lá để tăng sức đề kháng cho cây.
Côn trùng gây hại: Khi cây đang mang trái và đi đọt, bà con mãi chặn đọt nhưng quên quản lý rầy xanh, rệp sáp, bọ trĩ dẫn đến lá bị chích hút gây cháy và rụng lá.
Giải pháp: Khi cây ra đọt non nếu trong thời điểm trái nhỏ có thể vừa dìu đọt nhanh già lá hoặc chặn đọt cấp tốc kết hợp phun thuốc phòng trị rầy xanh, bọ trĩ. Luân phiên các gốc thuốc để hạn chế tình trạng kháng thuốc: Thiomethoxam, Bufrofezin, Acetamiprid, Imidacloprid, Cartap…
Nấm bệnh trong đất: giai đoạn sau xổ nhụy, nuôi trái Bà Con cần tưới ngừa nấm bệnh dưới rễ, giai đoạn này cây rất dễ bị nấm bệnh xâm nhiễm qua đường rễ do cây đang nuôi trái, sức đề kháng kém. Rệp sáp, tuyến trùng gây hại tạo điều kiện cho nấm khuẩn xâm nhiễm gây ra tình trạng thối rễ, xì mủ gốc, xì mủ rễ, cây không hấp thu dinh dưỡng, nước dẫn đến tình trạng cháy lá.
Giải pháp: Sau xổ nhụy 2 tuần, bà con cần tưới ngừa nấm bệnh có thể kết hợp các hoạt chất phòng trị nấm bệnh Metalaxyl, Metalaxyl + mancozeb, các nhóm gốc đồng…chung với gốc lân 2 chiều để tăng kích kháng cho cây.
Nấm bệnh trên lá: giai đoạn này cây rất dễ bị nhiễm các chủng nấm thán thư (Colletotrichum), nấm Lasiodiplodia, nấm Phomosis…gây hại, gây ra tình trạng cháy lá.
Giải pháp: Bà con chủ động quản lý bằng các hoạt chất Metalaxyl, Metalaxyl + Mancozeb hoặc Chlorothalonil, Propamocarb…
Chúc bà con canh tác tốt!
ThS. Lê Thanh Hùng