Che mưa cho cây cao su

  • Người khởi tạo Người khởi tạo Văn Tuệ
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

Văn Tuệ

Member
Thành viên BQT
Thời vụ áp dụng các biện pháp che mưa

Thực hiện ngay đầu mùa mưa.​

Điều kiện gắn máng chắn nước mưa, mái che mưa

Tất cả các vườn cây cao su kinh doanh đều phải áp dụng biện pháp che mưa, trừ trường hợp vườn cây có vị trí bảng cạo quá cao không thể áp dụng được.​

Tùy theo phương pháp thu mủ và vùng miền mà áp dụng các biện pháp che mưa phù hợp:​

+ Đối với phương pháp thu mủ nước: áp dụng máng chắn nước mưa hoặc mái che mưa. Những vùng mưa và gió nhiều nên áp dụng mái che mưa cho mặt cạo (mái che mặt cạo), có thể kết hợp mái che chén hoặc màng phủ chén tùy điều kiện cụ thể.​

+ Đối với phương pháp thu mủ đông tự nhiên tại lỗ: nên áp dụng mái che mặt cạo kết hợp mái che chén hoặc màng phủ chén tùy điều kiện cụ thể.​

Chuẩn bị vật liệu

vật liệu che mưa_1676451468.png

- Máng chắn nước mưa:

Làm bằng tấm PE (polyethylene) có độ dày khoảng 0,3 mm hoặc bằng tấm xốp có độ dày 1,0 mm.​

Máng có hình dạng cong như hình lưỡi liềm, bề rộng máng khoảng 4 - 5 cm.​

Độ dài và độ cong của máng sử dụng tùy theo bề vòng thân và chiều dài miệng cạo.​

Máng phải dài hơn miệng cạo khoảng 20 cm (10 cm vượt ranh tiền và 10 cm vượt ranh hậu).​

- Mái che mặt cạo:

Làm bằng nhựa PE (polyethylene), hoặc vật liệu tương đương có độ dày khoảng 0,3 mm.​

Mái có hình dạng cong như hình lưỡi liềm, bề rộng mái khoảng 14 - 16 cm. Độ dài và độ cong của mái sử dụng tùy theo bề vòng thân và chiều dài miệng cạo.​

Mái phải dài hơn miệng cạo khoảng 30 - 35 cm (vượt ranh hậu 15 - 20 cm và vượt ranh tiền 15 cm).​

- Mái che chén:

Làm bằng nhựa PE (polyethylene) có độ dày khoảng 0,3 mm, dài 33 - 35 cm, rộng khoảng 26 cm hoặc màng phủ chén có kích thước 50 x 60 cm.​

- Dụng cụ bấm kim, kim bấm số 10, nạo vệ sinh vỏ cây, xà phòng, đinh dù.

- Keo dán máng/mái có độ dẻo, bám dính, chống thấm tốt và không ảnh hưởng đến cây cao su. Sử dụng keo nhựa đường loại đặc.

Kỹ thuật gắn máng chắn nước mưa

Vị trí gắn máng chắn nước mưa:

Máng phải được gắn phía trên miệng cạo với độ dốc 32 - 34 độ so với trục ngang đối với cả miệng cạo úp và miệng cạo ngửa.​

+ Đối với miệng cạo ngửa, khi mới bắt đầu mở cạo và năm cạo thứ 2 gắn máng trên vỏ nguyên sinh cách vị trí mở miệng cạo đầu tiên khoảng 5 - 7 cm. Từ năm cạo thứ 3 trở đi mỗi năm thay đổi vị trí gắn 1 lần.​

+ Đối với miệng cạo úp, máng được gắn phía trên mức hao vỏ cạo dự kiến trong một năm khoảng 5 cm tính từ phía miệng hậu.​

Kỹ thuật gắn máng chắn nước mưa:

+ Dùng nạo làm sạch bề mặt thân cây ngay tại chỗ gắn máng với băng rộng 2 - 3 cm vượt qua ranh tiền và ranh hậu 10 - 15 cm. Tiếp theo nạo 2 đường thẳng đứng song song với ranh tiền và ranh hậu cách về phía ngoài bảng cạo mỗi bên 3 - 5 cm để làm đường chống thấm nước mưa vào miệng cạo, nạo qua bảng thiết kế hao vỏ cạo trong năm 10 cm. Lưu ý không được nạo sâu dễ làm vỏ bị nứt dẫn đến tỷ lệ rò rỉ nước mưa cao.​

che mưa 1_1676448387.png

+ Sử dụng keo đặc dán máng, trước khi kéo keo nhúng tay vào xà phòng, dùng tay nắm vắt keo lọt trong lòng bàn tay, sau đó dùng tay kéo keo từ phía miệng hậu xuống miệng tiền, kéo qua miệng tiền và miệng hậu mỗi bên 10 cm. Nếu vị trí gắn máng thấp có thể kéo keo từ phía miệng tiền lên miệng hậu. Lưu ý ở những vị trí lõm cần kéo keo dày hơn những vị trí khác. Tiếp theo kéo 2 đường keo chống thấm nước mưa thẳng đứng và song song với ranh tiền, ranh hậu.​

+ Cố định máng chắn nước mưa phía ranh tiền bằng cách bấm 2 kim liền kề. Sau đó kéo chân máng chắn nước mưa áp sát theo đường keo từ đầu máng phía ranh tiền đến cuối máng phía ranh hậu, rồi cố định hai kim liền kề như ở phía ranh tiền. Tiếp theo bấm 2 - 3 kim ở khoảng giữa máng. Nếu gắn trên vỏ tái sinh thì bấm kim từ phía miệng tiền đến phía miệng hậu với khoảng cách giữa hai kim từ 3 - 5 cm. Bấm kim cách chân máng chắn mưa là 2 - 3 mm, đối với những trường hợp cây bị u lồi, lõm phải bấm thêm kim.​

che mưa 2_1676448760.png

che mưa3_1676449029.png

+ Gia cố: Khoảng 2 - 3 tháng tiến hành kiểm tra lại và bôi keo bổ sung đối với những máng bị rò rỉ. Nếu rò rỉ ở những vị trí lõm của thân cây hoặc bong kim thì bấm thêm kim vào và bôi keo bổ sung.​

Kỹ thuật gắn mái che mặt cạo

Vị trí gắn mái che:

+ Mái được gắn phía trên miệng cạo với độ dốc từ 30 - 34° cho cả miệng cạo ngửa và miệng cạo úp.​

+ Đối với miệng cạo ngửa mái được gắn cách miệng cạo khoảng 8 - 10 cm.​

+ Đối với miệng cạo úp mái được gắn phía trên mức hao vỏ cạo dự kiến trong một năm khoảng 5 - 8 cm tính từ phía miệng hậu;​

Phương pháp gắn mái che mặt cạo:

+ Dùng nạo làm sạch bề mặt thân cây ngay tại chỗ gắn máng với băng rộng khoảng 2 - 3 cm, nạo qua ranh hậu 5 cm, sau đó nạo xéo xuống một góc khoảng 45 độ, chiều dài khoảng 10 - 15 cm; nạo qua ranh tiền khoảng 15 cm. Tiếp theo nạo hai đường thẳng đứng song song và cách ranh tiền và hậu khoảng 3 - 5 cm, nạo qua bảng thiết kế hao vỏ cạo trong năm 10 cm. Lưu ý không được nạo sâu dễ làm vỏ bị nứt dẫn đến tỷ lệ rò rỉ nước mưa cao.​

che mái 4_1676450100.png

+ Cố định mái che mặt cạo ở vị trí ranh tiền trên phần vỏ đã nạo bằng 2 kim liền kề, phần đuôi mái che cách ranh tiền 15 cm. Kéo chân mái che mặt cạo áp sát thân cây, bấm kim cách chân mái che 2 - 3 mm, khoảng cách giữa hai kim từ 3 - 5 cm bấm qua ranh hậu 5 cm.​

che mái 5_1676450151.png

+ Sau đó tiến hành lật ngược mái che xuống ôm sát thân cây tới đường chân kim.​

+ Tiếp đó kéo chân máng xéo xuống phía dưới so với ranh hậu một góc khoảng 45 độ, sau đó bấm kim phía trong mái che cho đến hết phần mái che còn lại.​

che mái 6_1676450200.png

+ Sau khi mái che mặt cạo đã được cố định, dùng keo dán máng (loại keo đặc), kéo một đường keo nhỏ sát và dọc theo chân mái từ phái miệng hậu tới phía miệng tiền.​

+ Trường hợp miệng cạo thấp có thể kéo keo từ phía miệng tiền đến phía miệng hậu. Tiếp theo kéo hai đường keo song song với miệng tiền và hậu theo đường đã nạo sẵn tạo gờ để ngăn và chống thấm nước mưa vào mặt cạo. Sau đó, dùng ngón trỏ đẩy mái che mặt cạo lên, sao cho mái che mặt cạo phủ kín hết đường keo dán; tiếp tục tiến hành lận vành mái che lên phía trên với chiều rộng 1 - 2 cm để tạo thành mương dẫn nước mưa.​

che mái 7_1676450285.png

Kỹ thuật gắn mái che chén

Gắn mái che chén phía trên chén hứng mủ, cách miệng tiền của miệng cạo khoảng 5 - 7 cm.​

Dùng đinh dù gắn vào hai góc mái che chén, gập góc mái che chén lại, dùng kim bấm để bấm cố định cây đinh dù.​

Ấn đinh dù vào thân cây để cố định mái che chén, sao cho mái che chén được chia đều ở giữa mương dẫn mủ và có độ hở giữa mái che chén và mương dẫn mủ từ 2 - 3 cm. Lưu ý tránh mái che chén chạm vào máng hứng mủ làm mủ chảy lan ra ngoài.​

che mái 8_1676451210.png

Kỹ thuật gắn màng phủ chén

Cột đá vào 2 đầu màng phủ chén ở cạnh chiều dài 50 cm.​

Dùng kim bấm 2 kim liền kề để cố định phần đầu màng phủ không gắn đá cách miệng tiền 5 - 10 cm, cách ranh tiền 1 - 2 cm, đầu không gắn đá còn lại kéo xuống cách ranh tiền ra khoảng 10 - 15 cm và bấm cố định 2 kim liền kề nhau, bấm 2 - 3 kim ở giữa để giữ chắc màng phủ vào thân cây.​
 
Back
Top