Xử lý đất
Trước khi trồng khoảng 2 tháng tiến hành làm đất, cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, gốc rễ cây (nếu đất khai hoang), xử lý đất bằng vôi bột (500 kg/ha) hoặc dùng thuốc bảo vệ thực vật xử lý đất.
Cày phơi đất.
Làm đất
Làm đất, chuẩn bị cho việc trồng cây có múi phải đạt được các yêu cầu sau đây:
Hạn chế đến mức tối thiểu sự phá vỡ kết cấu đất, tăng cường độ thông thoáng, tơi xốp của đất.
Đất sau khi làm phải bằng phẳng, sạch cỏ dại và mầm mống sâu bệnh.
Độ sâu làm đất đủ để tạo cho lớp đất mặt tơi xốp tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt.
Chuẩn bị đất
Đất mới: Ở những vùng đất thấp của đồng bằng sông Cửu Long phải đào mương lấy đất lên liếp để xả phèn và nâng cao tầng canh tác. Khi đào mương lấy đất, chú ý không được đem lớp đất sinh phèn (nếu có) lên mặt liếp. Nếu đất chua cần bón thêm vôi để nâng cao độ pH lên khoảng 5,5 - 6,0.
Ở vùng có tầng canh tác dày mực thuỷ cấp thấp và không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm (như chuyển đổi từ đất ruộng lúa) thì có thể lên liếp theo kiểu đắp mô rồi trồng cây lên mô. (chỉ cần đào mương tạo luống, sau đó đắp mô và trồng cây trên mô)
Ở những vùng thấp thường bị nước mưa làm ngập hàng năm sau khi lên liếp cần đắp mô rồi mới trồng cây lên mặt mô, mô cao từ 0,3 - 0,5 m (tuỳ theo mặt vườn cao hay thấp); rộng 0,6 - 0,8 m.
Trên mặt mô tạo hố để bón lót phân chuồng trước khi trồng. Xung quanh vườn, xây dựng hệ thống bờ bao để có thể bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết.
Ở những vùng đất cao như miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ hay vùng đồi ở trung du Bắc Bộ… phải chọn nơi có nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô.
Không cần phải đào mương lên liếp, chỉ đào hố, trồng ngang quanh mặt đất và đắp bờ vồng xung quanh để khi tưới nước trong mùa khô nước không bị tràn ra ngoài. Đến mùa mưa phá bờ vồng để cây khỏi bị úng nước, nếu không cây có thể bị chết và bị bệnh thối gốc chảy mủ khi bị úng nước.
Hố trồng đào rộng 0,6 - 0,7 m; sâu khoảng 0,5 m.
Đất cũ: Chọn vị trí mới để đắp mô hoặc đào hố trồng nhằm tránh các ổ sâu bệnh cũ và tạo môi trường tốt cho cây phát triển. Thời kỳ đầu có thể giữ cây trồng cũ để tận thu, ổn định thu nhập, che mát cho cây mới trồng và hạn chế cỏ dại.
Vệ sinh đồng ruộng: Chặt bỏ các cây có múi bị bệnh virus hoặc tương tự virus ở vùng xung quanh.