Chuẩn bị trước khi gieo hạt

  • Người khởi tạo Người khởi tạo Văn Tuệ
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

Văn Tuệ

Member
Thành viên BQT
Xử lý thúc mầm hạt giống

Phương pháp không bóc vỏ thóc và ủ trên luống

Xát quả cà phê chín bằng tay hoặc bằng máy ra thành 2 phần: hạt và vỏ quả.​

Đãi sạch lớp vỏ quả và rửa hạt giống thật sạch qua 3 - 5 lần nước.​

Hòa vôi vào nước với tỷ lệ 1/50 (1 kg vôi: 50 lít nước) và để cho vôi lắng xuống và gạn bỏ cặn vôi và đun nóng dung dịch lên 55 - 60°C.​

Ngâm hạt giống vào dung dịch trong 18 giờ để loại bỏ phần nhớt còn sót lại trên vỏ thóc của hạt giống.​

Lên luống đất phẳng cao 10 - 15 cm; rộng 1,0 - 1,2 m.​

Rải lớp cát dày 1 - 2 cm trên luống đất rồi rải lớp hạt dày 3 - 4 cm và phủ lại bằng lớp cát dày 1 - 2 cm.​

Phủ lớp rơm rạ hay bao tải trên luống ủ hạt. Sau 10 - 15 ngày rễ mầm bắt đầu nhú ra khỏi vỏ thóc là đem gieo ngay không để mầm dài quá 1 mm và loại bỏ những hạt nảy mầm muộn hơn 3 tuần.​

gieo giống-bài 4_1622023709.jpg

Phương pháp bóc vỏ thóc và làm sạch vỏ lụa

Xát quả cà phê chín bằng tay hoặc bằng máy ra thành 2 phần: hạt và vỏ quả.​

Đãi thật sạch lớp vỏ quả và rửa hạt giống thật sạch qua 3 - 5 lần nước.​

Hong hạt giống dưới nắng cho vỏ thóc hơi giòn.​

Bóc hoặc xát vỏ thóc bằng tay và loại bỏ hạt xấu (đen, nứt, xây xát, có lỗ mọt…) vì những hạt này mất sức nảy mầm.​

Ngâm hạt trong nước ấm sạch ở nhiệt độ 45 - 55°C trong 14 - 16 giờ làm vỏ lụa nhũn ra.​

Bỏ hạt vào bao lưới nhựa sạch và để vào thúng đậy kín hoặc rải đều trên nền sạch rồi đậy bằng bao tải sạch.​

Hàng ngày đãi rửa hạt thật sạch loại trừ vỏ lụa nhũn dễ gây thối, nhặt bỏ ngay hạt thối, mốc. Sau 5 - 7 ngày rễ mầm bắt đầu nhú ra và lựa hạt vừa nảy mầm đem gieo ngay, không để mầm mọc dài quá 1 mm vì ít nguy cơ tổn thương đầu rễ, cong phần cổ rễ khi gieo vào bầu hoặc vào luống.​

Cách gieo

Gieo hạt trên luống

Trong vườn ươm đã có sẵn giàn che, tạo các luống rộng 1 - 1,2 m, cao ít nhất 20 cm và dài tùy lượng hạt giống.​

Thành phần đất phân tương tự như thành phần đất vào bầu. Trộn đều: 3 m³ đất mặt + 1m³ phân chuồng hoai mục + 24 kg lân để vào bầu.​

Rải đều hạt vừa nhú mầm trên mặt luống, không để hạt chồng lên nhau, không có hạt quay đầu rễ lên trên. Phủ lớp cát dày 3 - 4 mm. Hàng ngày tưới nước đủ ẩm. Gieo 1 kg hạt/m².​

Cắm từng hạt liền nhau theo hàng cách nhau 3 - 4 cm, đầu rễ luôn quay xuống dưới. Phủ lớp cát dày 3 - 4 mm. Hàng ngày tưới nước đủ ẩm.​

Khi cây cao 3 - 4 cm (đội mũ) hoặc khi cây có lá sò tiến hành cấy cây vào bầu.​

Cấy ra ngôi cây con vào bầu đất: Khi cây đội mũ đưa hạt cao lên 3 - 4 cm hoặc khi cây đã xòe hai lá mầm tiến hành nhổ và cấy cây vào bầu:​

Dùng cọc nhọn đường kính 1 cm, chọc lỗ sâu 10 - 12 cm.​

Đưa cây con vào lỗ sao cho rễ thật thẳng và nén chặt đất.​

Tưới đẫm nước và giữ giàn che thật mát trong vài ngày đầu.​

Ưu điểm: Phát hiện được những cây có cọc bị khuyết tật để kịp thời loại bỏ trước khi cấy vào bầu.​

Nhược điểm: Làm quá trình sinh trưởng của cây con bị gián đoạn. Tốn công cấy ra ngôi và trong quá trình cấy nếu không cẩn thận lại làm cong rễ cọc.​

Gieo hạt trực tiếp vào bầu đất

Trước khi gieo từ 1 - 2 ngày, tưới nước cho bầu đất ướt đều, mỗi bầu gieo 1 hạt vào chính giữa, đầu rễ quay thẳng xuống đất. Trong trường hợp mầm chưa nhú ra ngoài, đặt úp hạt vào tâm bầu, sau đó lấp lớp đất dày 3 - 4 mm, không để hạt lộ lên mặt bầu.​

Sau khi gieo xong dùng ô doa hoặc hệ thống tưới phun sương tưới nhẹ để giúp cho hạt gắn ổn định vào đất.​

Ưu điểm

Giúp cho cây sinh trưởng liên tục từ khi gieo đến khi trồng, cây ít bị nhiễm các loại nấm bệnh hoặc tốc độ lây sẽ chậm hơn so với cắm cây lá sò.​

Nhược điểm

Khi gieo trực tiếp vào bầu thời gian từ 1,5 - 2,0 tháng đầu để giúp cây bung lá sò thuận lợi. Vì vậy, mất thời gian chăm sóc, tưới hàng ngày giữ ẩm trên diện rộng gây lãng phí hơn so với gieo hạt tập trung.​

Phương pháp này không phát hiện được những cây bị dị tật về rễ như hai rễ, cong rễ, xoắn rễ.​
 
Back
Top