Thị trường cà phê trong nước hiện có nhiều biến động do giới đầu cơ đang trong giai đoạn 'đập - nhả' để rút lui khỏi thị trường sau thời gian dài thu lợi nhuận.
Trong tháng 10/2024, Việt Nam - quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất cà phê Robusta ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm 11,6% so với tháng trước, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân dẫn đến thực trang này do mưa lớn tại các vùng trồng cà phê khiến thời gian thu hoạch kéo dài. Ngoài ra, sản lượng Robusta niên vụ 2023/2024 giảm 20%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong 4 năm gần đây, làm gia tăng giá Robusta trên thị trường.
Hiện tại, hoạt động sản xuất cà phê ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hiện tượng La Niña gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu hoạch. Thêm vào đó, nông dân không vội bán cà phê do có thu nhập ổn định từ các cây trồng khác như sầu riêng, hồ tiêu.
Thị trường cà phê tại Lâm Đồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, năm 2024, diện tích trồng cà phê toàn tỉnh đạt 176,8 ngàn ha, tăng 0,7% so cùng kỳ 2023, sản lượng đạt 572,7 ngàn tấn, tăng 5%. Trong đó, diện tích cà phê có các chứng nhận 4C, UTZ, RainForest… đạt 88.000 ha (tăng 2,32%), sản lượng đạt 297.440 tấn/năm (tăng 8,1%). Lâm Đồng đang khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác cà phê sang các mô hình cà phê đạt các chứng nhận quốc tế, điều này giúp nâng cao giá trị hạt cà phê, tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần xây dựng thương hiệu cho hạt cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thị trường cà phê tại Gia Lai
Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh Gia Lai dự kiến tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Tuy nhiên đến nay, diện tích thực hiện mới đạt 1.840 ha, tương ứng 76,7% kế hoạch, trong khi mùa mưa đã kết thúc. Hiện diện tích cà phê tái canh của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra do một số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu.
Từ cuối năm 2023 đến nay, giá cà phê tăng cao đã thúc đẩy người dân ưu tiên chăm sóc và thu hoạch cây cũ thay vì tái canh. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết không thuận lợi, khả năng hoàn thành kế hoạch tái canh và ghép cải tạo năm 2024 của tỉnh là rất thấp.
Theo ông Hoàng Thi Thơ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, để đạt mục tiêu tái canh và ghép cải tạo 2.400 ha cà phê, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia cải tạo vườn cà phê già cỗi, đảm bảo tính bền vững và nâng cao năng suất trong tương lai.
Nguồn thông tin: Viện chính sách