Ngày đầu tuần, giá lúa gạo tại Cần Thơ, Sóc Trăng vẫn ổn định.
Giá lúa gạo tại Cần Thơ
Hôm nay (22/5), mặt hàng lúa khô và lúa tươi ở Cần Thơ vẫn khá ổn định. Lúa tươi Jasmine là mặt hàng duy nhất trong hôm nay tăng nhẹ 100 đồng, lên mức 6.700 đồng/kg. Lúa tươi OM 4218 vẫn duy trì mức giá 6.500 đồng/kg.
Các chủng loại lúa khô khác đi ngang trong 3 tuần gần đây như: Lúa khô Jamine 7.600 đồng/kg; lúa khô IR 50404 6.800 đồng/kg; lúa khô OM4218 7.500 đồng/kg.
Mặt hàng gạo vẫn được Công ty Lương thực Hoàng Khang duy trì mức giá thu mua trong nhiều tuần qua. Gạo Jasmine 15.000 đồng/kg; gạo 504 10.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hôm nay, gạo Nàng hoa được nâng giá thu mua lên mức 17.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng.
Thị trường lúa gạo tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay vẫn ổn định.
Giá lúa gạo tại Sóc Trăng
Khảo sát giá thương lái thu mua lúa tại Sóc Trăng hôm nay cho thấy thị trường lúa gạo tại Sóc Trăng rất ổn định. Hiện nay, nhiều chủng loại lúa ở Sóc Trăng đã hết mùa, những chủng loại vẫn 'ra hàng' được thương lái thu mua ở mức cao và ổn định. Giá lúa tươi Đài thơm 8 là 6.850 đồng/kg; lúa tươi OM 5451 6.800 đồng/kg; lúa tươi RVT 7.000 đồng/kg.
Thương lái chỉ điều chỉnh giảm nhẹ 50 đồng với mặt hàng lúa khô Đài thơm 8. Hiện giá lúa lúa Đài thơm 8 là 8.000 đồng/kg.
Cần Thơ phòng chống sâu bệnh trên lúa Hè thu
Hiện lúa Hè thu 2023 tại Cần Thơ chủ yếu đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ đến chắc xanh. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển sang mùa mưa, do đó bà con cần đề phòng một số sâu bệnh hại phát triển trên cây lúa.
Cánh đồng lúa hè thu trổ đến chắc xanh phát triển tốt ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Thời tiết có mưa xen kẽ nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát triển và gây hại, đặc biệt là đạo ôn cổ bông. Ðể hạn chế thiệt hại năng suất, bà con cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp nhằm giảm mức thấp nhất do các dịch hại gây ra.
Bên cạnh đó, những trà lúa sớm, chuẩn bị bắt đầu thu hoạch bà con cần chủ động liên hệ các phương tiện gặt đập và thương lái để kịp tiến độ thu hoạch, hạn chế thất thoát.
Lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng cần chú ý bón phân đón đòng đúng thời điểm khi đòng mới nhú từ 1 - 2mm; cung cấp đủ dinh dưỡng Đạm và Kali để cây phân hóa tạo nhiều nhánh gié và hoa lúa nhiều hơn.
Lúa giai đoạn trổ đến chắc xanh cần đưa nước vào ruộng và giữ nước 3 - 5 cm cho lúa trổ nhanh, đều và vào chắc tốt, không cần bón phân giai đoạn này khi đã cung cấp đầy đủ và kịp thời ở các đợt bón nuôi mạ, đẻ nhánh và đòng.
Theo Viện chính sách