Trồng giặm
Sau trồng từ 7 - 10 ngày cần kiểm tra, nếu ruộng khoai tây mọc không đều, bị mất khoảng cần tiến hành trồng giặm ngay.

Ruộng khoai mới trồng.
Bới hốc khoai không thấy mọc mầm, bị thối hoặc không có khả năng nảy mầm cần trồng thay thế ngay.

Ruộng khoai sau trồng 7 ngày.
Cây trồng thay thế lấy từ nguồn giống để lại làm dự phòng hoặc có thể sử dụng mầm khoai tây để giặm (tách từ những củ có 4 mầm trở lên). Lưu ý: khi tách mầm phải cẩn thận không ảnh hưởng đến mầm còn lại trên cây.
Khi giặm xong chú ý tưới nước đủ ẩm để mầm mọc nhanh.
Tỉa mầm
Khi cây cao 5 - 10 cm, tỉa mầm còi cọc ở những khóm có 4 mầm trở lên. Dùng kéo cắt tỉa, không ngắt bằng tay.

Ruộng khoai sau trồng 14 ngày.
Xới xáo, làm cỏ, vun gốc
Khi vun gốc thường kết hợp thực hiện sau khi xới xáo, làm cỏ và bón phân. Thường vun 3 lần.
Lần 1: Xới nhẹ, nhổ sạch cỏ, bón phân thúc lần 1, vun cao 15 - 20 cm, không để tia củ hở trên mặt đất. Lấy đất ở rãnh áp thẳng vào gốc cây, lấp đến cổ lá (ấm gốc) để tránh tia củ gặp sáng thành cây, ít củ.

Vun gốc lần 1.
Lần 2: Nhổ sạch cỏ, bón phân thúc lần 2, vun cao 35 - 40 cm, không được để hở tia củ và củ.

Vun gốc lần 2.


Không để hở củ và tia củ.
Lấy đất ở rãnh vun cho luống to và cao, dày cố định luôn, vun luống không đủ đất sẽ làm vỏ củ bị xanh hoặc mọc thành cây. Vét đất ở rãnh để khi ruộng bị nước sẽ nhanh khô.
Lần 3: Củ đang phát triển, nếu thấy có hiện tượng bị hở củ cần vun đất lấp kín củ.

Sơ đồ mô tả vun gốc khoai tây.