Các biểu hiện "sượng" cơm quả sầu riêng
Cơm (phần ăn được) của quả sầu riêng khi đã chín mà bị các hiện tượng sau đây thì gọi là “sượng”:
Cơm của quả sầu riêng cứng, không có vị ngọt.
Cơm của quả sầu riêng cứng, có màu sắc hơi nhạt so với màu bình thường của múi không bị sượng.
Cơm quả sầu riêng có màu trắng, cứng.
Cơm của quả sầu riêng bị nát.
Phần cơm có màu nâu hay bị biến dạng, còn gọi là “cháy múi”.
Cơm của quả sầu riêng phát triển không đều hay “cơm trong”, cơm bị mềm.
Nhìn chung, quả sầu riêng bị “sượng” theo hình thức nào thì phẩm chất quả cũng giảm và không còn giá trị thương phẩm.
Nguyên nhân
Sự cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình phát triển quả:
Từ 8 - 12 tuần sau khi đậu, quả phát triển phần cơm rất mạnh, có thể đạt 16 g/quả/ngày, lúc này cây ra đọt non sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh chất dinh dưỡng nên cơm quả không phát triển được bình thường, dẫn đến hiện tượng “sượng”.
Vườn đủ ẩm và bón nhiều phân, đặc biệt là phân đạm sẽ kích thích sinh trưởng làm cho cây sầu riêng ra đọt non.
Rối loạn dinh dưỡng:
Sự mất cân bằng giữa canxi, magiê và kali cũng gây ra hiện tương cơm sầu riêng bị sượng.
Bón phân có chứa Clo (như phân Cloruakali hay các loại phân hỗn hợp có chứa KCl).
Ra hoa và đậu quả nhiều đợt cũng gây nên sự cạnh tranh chất dinh dưỡng giữa hoa, quả non làm quả bị sượng.
Do độ ẩm đất:
Mưa nhiều làm gia tăng độ ẩm đất, cây hút nhiều nước là nguyên nhân gây ra hiện tượng cơm nhão, kích thích ra đọt non cạnh tranh dinh dưỡng với quả đang phát triển.
Biện pháp khắc phục
Bón Kali Sunphat (K2SO4):
Giai đoạn quả chuyển từ non sang già là giai đoạn tích lũy tinh bột nên cây rất cần các vi lượng như Mg2+, Zn2+ , Cu2+… giúp cho cây quang hợp tốt, quả không bị sượng.
Khi quả sầu riêng chuyển hóa tinh bột thì việc bổ sung Kali (kali trắng) là rất cần thiết. Không bón kali đỏ làm quả dễ bị sượng.
Hạn chế sự ra đọt non trong giai đoạn phát triển quả:
Phun phân MKP (0-52-34) với liều lượng 50 - 100 g/10 lít nước, phun đều lên hai mặt lá, 7 - 10 ngày/lần trong giai đoạn từ 3 - 12 tuần sau khi đậu quả. Hoặc dùng Nitrat Kali (KNO3) với liều lượng 150 g/10 lít nước, phun đều lên hai mặt lá, 7 - 10 ngày/lần trong giai đoạn từ 3 - 12 tuần sau khi đậu quả.
Không bón thừa phân trong giai đoạn phát triển quả, đặc biệt là phân đạm. Khi sử dụng phân hỗn hợp N:K (đạm-lân-kali) chú ý chỉ sử dụng loại phân không chứa Clo.
Phun phân bón lá có chứa Bo giai đoạn 15 - 20 ngày sau khi đậu quả để hạn chế hiện tượng cháy múi do thiếu Bo. Cần bổ sung thêm can - xi, ma - giê và kali theo quy trình sau:
Phun Ca (NO3)2 (Canxi nitrat) nồng độ 0,2% giai đoạn 2 tháng sau khi đậu quả.
Phun Mg (SO4) (Magie sulfat) nồng độ 0,2% giai đoạn 15 ngày sau khi phun Ca (NO3)2 (Canxi nitrat).
Phun Nitrat Kali (KNO3) nồng độ 1% giai đoạn 01 tháng trước khi thu hoạch.
Kích thích bằng cách dùng phân bón lá cho sầu riêng:
Mục đích giúp cây ra hoa sớm, tập trung, đồng loạt để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa hoa với sự phát triển quả, hạn chế sự cạnh tranh giữa quả non với quả lớn.
Điều khiển để quả chín tập trung, thu hoạch cùng lúc và thu hoạch trong mùa khô sẽ ít bị sượng hơn trong mùa mưa.
Quản lý nước:
Quản lý độ ẩm đất để sầu riêng ra hoa tập trung sẽ tránh được tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa hoa và quả non, hoa và quả trưởng thành, sự cạnh tranh giữa quả non và quả trưởng thành.
Ở vùng Tây Nam Bộ, giữ mực nước trong mương vườn ở độ sâu 60 - 80 cm từ mặt liếp sau khi đậu quả. Giai đoạn trước khi thu hoạch 25 - 30 ngày, rút nước trong mương khô cạn để quả lớn và chín nhanh.
Phủ mặt liếp bằng plastic trong mùa mưa để hạn chế hiện tượng nhão cơm. Khi thu hoạch nếu có mưa lớn nên ngừng lại, rút nước trong mương ra, sau 3 - 5 ngày mới thu hoạch trở lại.
Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch
Thu hoạch quả đúng độ chín, tránh làm quả bị dập hay tiếp xúc với đất ẩm.
Nhúng quả vào dung dịch Ethephon ở nồng độ 0,2% để kích thích quả chín đều, giảm hiện tượng bị sượng.