Hướng dẫn sản xuất lúa tái sinh

TS.Nguyễn Văn Biếu

Member
Thành viên BQT
Đây là phương thức sản xuất được áp dụng vào sản xuất lúa ở những nơi điều kiện sản xuất còn gặp nhiều khó khăn (né lũ, tránh bão…), hoặc để rút ngắn thời gian sinh trưởng, tăng được nhiều vụ, hoặc để tận thu tiềm năng cho năng suất cao của các giống lúa ưu thế lai (F1) - loại giống lúa đòi hỏi kỹ thuật và chi phí sản xuất hạt giống cao, mà không thể dùng hạt giống vụ đầu để sản xuất tiếp vụ sau như các giống lúa thông thường.​

Lựa chọn vụ lúa để sản xuất lúa chét

Ở miền Bắc lúa chét được áp dụng ở vụ lúa sau vụ lúa đông xuân, xuân ở một số vùng có lũ về sớm để né lũ (Bắc Trung Bộ, Ninh Bình) hoặc những vùng nông dân muốn sản xuất cây vụ đông sớm có giá trị kinh tế cao (Thái Bình, sau vụ lúa chét nông dân gieo trồng ớt sớm vào tháng 8 cho thu nhập cao).​

Ở miền Nam, một số vùng trồng lúa 3 vụ, nông dân thường để 1 vụ lúa mùa gốc sau vụ lúa hè thu hay xuân hè, nhằm rút ngắn thời vụ, tránh nước lũ và giảm chi phí sản xuất.​

Điều kiện để chét thành công

Giống lúa: Lựa chọn các giống lúa thân rạ cứng, đẻ nhánh khỏe, khả năng tái sinh mạnh (chồi con ra nhiều và khỏe sau thu hoạch). Ở miền Bắc lựa chọn các giống lúa lai, lúa thuần BC15, TBR225, Bắc thơm số 7.... Ở miền Nam lựa chọn các giống lúa IR42, IR19660, IR50404, IR66, IR59606, IR66707, MTL322, MTL250,….​

bai 2-lua chet 1_1630311993.jpg

Tình trạng sinh trưởng và sâu bệnh của cây lúa vụ trước: Để có thể đạt được hiệu quả vụ lúa chét cao, cây lúa vụ trước phải sinh trưởng tốt và không nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là các bệnh đốm vằn, thối thân, cháy lá.​

Kỹ thuật làm lúa chét

Cắt gốc rạ:​

Thu hoạch bằng máy, ngay sau khi thu hoạch trong vòng 1 - 2 ngày, khi gốc rạ còn tươi, tiến hành cắt gốc rạ. Nếu thu hoạch thủ công (cắt bằng tay) thì cắt định vị chiều cao ngay khi gặt.​

bai 2-cat goc ra_1630312108.jpg

Chiều cao gốc rạ:​

Tùy theo thời gian dự kiến thu hoạch ở vụ sau để quyết định độ cao của gốc rạ cần cắt.​

Thời gian từ cắt gốc đến thu hoạch vụ sau càng ngắn thì độ cao của gốc rạ càng dài. Tuy nhiên thời gian từ cắt gốc đến thu hoạch vụ sau không nên ít hơn 45 ngày (tương đương với độ cao gốc rạ không nên cao hơn 40 cm).​

Chiều cao cắt ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và thời gian sinh trưởng của lúa vụ để chét. Theo quy luật sinh trưởng thực vật, những phần trên thân càng gần ngọn càng có tuổi sinh lý cao, do đó, nếu cắt rạ quá cao, các mầm chồi phía trên sẽ phát triển, ức chế các chồi gốc, lúa sẽ trổ sớm, trổ không đồng loạt, bông nhỏ, ít hạt và năng suất thấp.​

Để lúa chét mạnh, ra chồi nhiều, cho năng suất cao, nên cắt rạ ở chiều cao 3-5 cm trên mặt đất để chỉ sử dụng các chồi gốc có tuổi sinh lý non, sinh trưởng chồi lúa tái sinh sẽ mạnh hơn và thời gian trổ trễ hơn để cây lúa chét có đủ thời gian ra nhiều bông, bông to, năng suất cao hơn.​

Nếu cắt gốc cao 30 - 40 cm, Năng suất lúa đạt được từ 2 - 3 tấn/ha. Cắt gốc từ cao từ 3 - 5 cm năng suất lúa đạt 4 - 5 tấn/ha.​

Chăm sóc lúa chét

Do vụ lúa chét có thời gian sinh trưởng ngắn nên vấn đề bón phân và chăm sóc đòi hỏi rất chặt chẽ.​

Giữ nước: Khi thu hoạch lúa vụ trước ruộng nên giữ ẩm, không để ruộng khô, cũng không để ngập nước. Ruộng quá khô gốc rạ dễ bị khô héo, khả năng tái sinh kém. Ngược lại, ruộng ngập nước sẽ ức chế các chồi gốc, hạn chế sự ra chồi tái sinh. Vả lại khi đất ướt, sự giẫm đạt trong quá trình thu hoạch và gom lúa sẽ gây thiệt hại cho gốc rạ.​

Bón phân:​

Với lúa cắt gốc cao 30 - 40 cm, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ cần bón 1 lần trước khi thu hoạch lúa vụ trước 5 ngày với liều lượng 80 - 130 kg đạm urê + 60 - 80 kg kali clorua để cho gốc lúa có sức bật mầm ngay sau khi cắt gốc rạ.​

bai 2-lua chet -bon phan_1630312595.jpg

Với lúa cắt ngắn sát gốc cần bón phân làm nhiều lần như sau:​

Trước khi thu hoạch lúa vụ trước 5 ngày: Bón 30 kg đạm urê + 30 kg lân supe để giúp gốc lúa có sức bật chồi sớm.​

Bón thúc sau khi thu hoạch lúa vụ trước.​

Bón thúc đợt 1: 5 ngày sau khi cắt gốc rạ bón thêm khoảng 30 kg đạm urê + 50 kg DAP/ha để kích thích ra chồi tái sinh và nuôi chồi con.​

Bón thúc đợt 2: Sau 12 - 15 ngày, bón thêm 50 kg đạm urê/ha thúc lúa đẻ khỏe, dảnh to.​

Bón thúc đợt 3 khi có 50% số dảnh có đòng dài 1cm bón 30 kg đạm urê + 30 kg kali clorua.​

Phòng trừ sâu bệnh:​

Do lúa chét gối vụ, sâu hại tập trung phá nhiều nên phải chú ý theo dõi và phòng trừ nhất là đối với sâu đục thân, cần phun 2 lần trước và sau trỗ.​
 
Back
Top