Kỹ thuật bao lưới chống ruồi vàng hại táo

Người yêu cây

Member
Thành viên BQT
1. Mục tiêu

Giảm thiểu việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật và mang lại sản phẩm Táo an toàn, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế.​

Hạn chế đến mức thấp nhất tác dụng của thuốc bảo vệ thực vật đến con người, cây Táo, môi sinh và môi trường.​

2. Kỹ thuật bao lưới

Thiết kế vườn bao lưới phải tiến hành đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả, giảm chi phí và có thời gian sử dụng lâu dài. Người nông dân cần thực hiện tốt một số nội dung như sau:​

a) Lưới bao vườn táo

Các nhà vườn nên sử dụng loại lưới mùng trắng 15 m, cạnh ô lưới khoảng 1,5 - 2,0 mm. Đây là loại lưới chắn được côn trùng nhưng vẫn đảm bảo độ thông thoáng và không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây táo.​

Loại lưới này có khả năng chịu được nhiệt độ và thời tiết nắng nóng khô hanh đặc trưng của Ninh Thuận nhờ thành phần nguyên liệu sản xuất sợi lưới từ 100% hạt nhựa nguyên sinh và hạt nhựa UV.

Độ bền lưới tối thiểu từ 5 năm, thời gian sử dụng có thể lâu hơn phụ thuộc .vào kỹ thuật thi công lưới và quá trình sử dụng của bà con.​

baoluoivuontao_1715670345.jpg

b) Thiết kế vườn táo bao lưới

* Khung giàn lưới:

Chiều cao: Tùy theo điều kiện trang bị hệ thống giàn trụ, địa hình và vật liệu trụ, kèo, dây thép,... để thiết kế chiều cao giàn lưới phù hợp với các yếu tố sau:​

Đảm bảo nhiệt độ trong giàn không quá cao để đảm bảo sự lưu thông không khí (thông thoáng) bên trong giàn, không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây táo.​

Không là môi trường thuận lợi để phát sinh các sinh vật gây hại khác như: rầy, rệp sáp, sâu róm,… gây hại cục bộ.​

Giữ cho cành phát triển tốt, nếu cành mới nứt ra mà cọ sát với lưới thì sẽ dễ bị thui (chột) ngọn.​

Giữ cho lưới không bị tác động bởi cành, nhánh. Giữ lưới sử dụng được lâu. Có nhiều vườn phủ lưới trực tiếp lên giàn thì lưới khi thi công kéo tới kéo lui va chạm vào cành táo, bị rách nhiều. Sau này tốn chi phí mua lưới khác hoặc tốn công để sửa chữa, đắp vá những chỗ rách đó.​

Do đó, không nên phủ lưới trực tiếp lên giàn, thông thường sử dụng trụ có chiều cao tính từ mặt đất lên khoảng 3 - 3,5 m và đảm bảo mặt lưới phủ cao cách mặt giàn táo từ 0,7 - 1,5 m. Đủ đảm bảo độ thông thoáng bên trong nhà lưới. Đây là khoảng cách phù hợp nhất, không nên làm cao quá để tránh gió mạnh.​

* Phương thức bao lưới:

Bao lưới xung quanh, phủ kín lưới mặt trên giàn táo. Ngoài ra cần phải làm cửa đảm bảo có lối ra vào và đóng cửa, vệ sinh chân tay, các vật dụng dùng trong quá trình canh tác,... nhằm hạn chế tối đa sinh vật gây hại từ bên ngoài lây nhiễm vào trong vườn táo đã bao lưới.​

* Thời điểm bao lưới:

Trong khoảng thời gian từ sau khi cắt cành 1,5 tháng đến khi ra trái nhỏ (từ 45 - 60 ngày sau khi cắt cành).

c) Một số yếu tố cần thiết khác trong quá trình làm giàn táo bao lưới

* Hướng đường may:

Đây là khâu cực kỳ quan trọng để đảm bảo tuổi thọ của vườn lưới, cần tính toán làm sao để đường may song song với hướng gió.​

Do đặc thù tỉnh Ninh Thuận có gió quanh năm, khi đường may nghịch với hướng gió, nó sẽ liên tục chịu sự tác động trực tiếp khả năng đường may sẽ dễ bị đứt. Vì vậy, khi đường may xuôi theo hướng gió, sự tác động sẽ giảm đi rất nhiều, việc sử dụng lưới sẽ được bền lâu hơn.​

* Dây đan lưới:

Nên sử dụng dây thép bọc nhựa, hoặc dây kẽm đan xen với dây cước trắng.

Để tránh sự ma sát giữa dây kẽm với đường may, chúng ta nên bọc 1 lớp băng keo nano hoặc mút xốp để bảo vệ đường may, nếu không có thì sợi lưới nhựa ma sát trực tiếp với sợi kẽm lâu ngày thì tuổi thọ sẽ bị ảnh hưởng, không sử dụng đúng độ bền của nó.​

baoluoivuontao2_1715670367.jpg

* Trụ đỡ:

Chất liệu: sắt, tre, gỗ,… Trụ cách nhau từ 3 - 5m; tùy vào mức độ muốn kiên cố của giàn, trong 1.000m2 (01 sào) có thể có 1 hoặc 2 hàng trụ chống ở giữa.​

Bao đầu trụ: Dùng lưới (phần lưới dư khi may nhà lưới) hoặc vải để bao đầu trụ tiếp xúc với lưới. Không nên sử dụng lon bằng nhựa hoặc kim loại để bao đầu trụ, tránh sự ma sát với lưới sẽ làm cho lưới dễ bị rách, tạo ra lổ hổng.​

* Cố định lưới:

Sau khi lưới đã phủ lên, xong hết các công đoạn, thì khâu cuối cùng là cố định lưới, bằng cách sử dụng chỉ nhựa may lưới cố định vào khung dây. Làm thêm bước này để lưới không bị phập phồng, đảm bảo nhà lưới sử dụng được lâu nhất.​

* Thời điểm phủ lưới là khi nào:

Khi táo bắt đầu cho quả bằng đốt ngón tay, đây là lúc táo thu hút bướm đêm, tiến hành phủ lưới vào thời điểm này là phù hợp nhất. Thời điểm bao lưới chống ruồi vàng: trong khoảng thời gian từ sau khi cắt cành 1,5 tháng đến khi ra trái nhỏ (từ 90 - 110 ngày sau khi cắt cành).​

Khi vừa cắt cành xong hoặc cây táo chưa ra hoa, cần làm khung giàn trước, vì nếu làm khung trễ, sẽ làm ảnh hưởng đến bông trái và cành.​

3. Một số lưu ý sau khi hoàn tất vườn bao lưới

Trước và sau thời điểm bao lưới vườn táo, phải xử lý vôi rải trên mặt đất và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trong vườn táo (cần lặp lại từ 02 - 03 lần, mỗi lần từ 5 - 7 ngày) tùy tình hình thực tế, đảm bảo các đối tượng sinh vật gây hại còn sót lại trong vườn táo không tiếp tục gây hại.​

Ngoài ra, phải đảm bảo vệ sinh đồng ruộng, sạch cỏ dại, tưới và tiêu thoát nước tốt, bón phân cân đối và hợp lý,... nhằm đạt hiệu quả tối ưu nhất.​

Khi táo đã thu hoạch xong, tùy vào cách thi công nhà lưới (phụ thuộc vào chi phí đầu tư), có thể cuốn lưới phủ phía trên về hai phía của nhà lưới, tạo độ thông thoáng và dễ dàng triển khai thuận lợi việc cắt cành, đốn cây, đốn cành và vệ sinh vườn táo.​
 
Back
Top