Cấy bằng tay
Cấy thẳng hàng, cấy nông 2 - 3 cm để lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe; mạ nền cứng cấy sâu 1 - 2 cm.
Nhổ mạ đến đâu cấy đến đó, cấy trong ngày. Không được nhổ mạ để qua đêm.

Để cấy được nông, cần làm đất kỹ, giữ nước nông và cấy ngửa tay.
Lưu ý: Cây lúa đẻ nhánh ở 4 đốt dưới: tỷ lệ hình thành bông cao, bông to. Nhánh đẻ từ đốt 5 tỷ lệ thành bông thấp, bông bé, thời gian trỗ kéo dài. Nếu cấy sâu, các đốt dưới không đẻ được nhánh, số dảnh thành bông ít và bông bé, hạt nhỏ.
Cấy bằng máy

Chuẩn bị mạ
Mạ cấy được chuyển sẵn ra đầu ruộng, rồi đưa lên giá đỡ mạ của máy.
Vận chuyển mạ nhẹ nhàng, tránh làm gãy, dập nát mạ.
Loại bỏ các khoảng mạ kém chất lượng như mạ thưa, bị bệnh chết chòm.
Thay và chèn bằng các mảng mạ tốt lấy từ các khay dự phòng để khi máy cấy không bị mất khoảng.
Chạy máy cấy
Lượt máy cấy chạy đầu nên cắm tiêu để máy chạy thẳng, không ngoằn ngoèo, chạy thử 3 - 5 m rồi điều chỉnh máy cho phù hợp:

Điều chỉnh khoảng cách hàng con (cây x cây) và độ sâu tay cấy khi dúi mạ. Chú ý, không để cấy quá sâu, lúa sẽ lâu bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh chậm, đẻ kém không đạt số dảnh, số bông theo yêu cầu.
Khi điều chỉnh, cấy thử lại, nếu khóm lúa được dúi tốt, không nghiêng ngả, độ sâu 2 - 2,5 cm là tốt nhất.
Giặm sau cấy bằng máy
Sau cấy 2 - 3 ngày, cần giặm lại những chỗ mất khoảng hoặc lỗi do tay gắp cấy của máy. Đặc biệt chú ý góc ruộng, đầu các vòng quay của máy.
Mạ dự phòng cho ruộng cấy: Lượng mạ cấy không hết được đem ra để ở góc ruộng, không nên để các túm mạ rải khắp ruộng vì đó là nơi sâu bệnh hại dễ phát sinh ra đầu tiên.
Cấy theo hàng rộng - hàng hẹp
Ở hàng sông: Cứ 1 hàng rộng lại có 1 hàng hẹp hơn xen kẽ nhau theo hướng Đông - Tây.

Hiện nay có rất nhiều mô hình thử nghiệm độ rộng, hẹp của hàng sông. Hầu hết các mô hình đều đánh giá tốt hơn nhiều so với khoảng cách cấy cũ. Tuy nhiên đến nay cũng chưa có một báo cáo thật đầy đủ để kết luận chính thức khoảng cách rộng hẹp như thế nào là tốt nhất.
Một số công thức đã được khẳng định qua nhiều mô hình thử nghiệm:
Công thức 1: Hàng rộng 30 cm - hàng hẹp 20 cm hoặc 25 cm - hàng con 10 cm.
Công thức 2: Hàng rộng 40 cm - hàng hẹp 15 cm - hàng con 10 cm.
Mật độ đảm bảo: Từ 18 đến 35 khóm/m².
Tác dụng của cấy hàng rộng, hàng hẹp:

Phát huy hết khả năng hiệu ứng hàng biên, làm cho cây lúa nhận được tối đa năng lượng của ánh sáng mặt trời.
Giúp cây lúa có khả năng quang hợp cao nhất, nhờ đó tích lũy nhiều chất dinh dưỡng trong cây và vận chuyển chất dinh dưỡng vào hạt.