Kỹ thuật làm vườn ương bầu có tầng lá

Người yêu cây

Member
Thành viên BQT
Thời vụ ương bầu

Trồng cây con bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9.​

Địa điểm làm vườn ương bầu

Nơi có điều kiện khí hậu thích hợp, có nguồn nước tưới, vị trí vườn ương thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển.​

Thiết kế vườn ương bảo đảm chống xói mòn, thoát nước tốt, thuận tiện cho việc thi công, chăm sóc và quản lý.​

vườn ươm bầu đã ghép_1676883608.png

Vườn ương bầu đã ghép.

Thiết kế vườn

Vườn ương được chia thành từng ô có kích thước 20 x 10 m, giữa các ô có đường đi rộng 3 m. Vườn ương có quy mô lớn thiết kế đường trục chính rộng 5 m, đường phụ rộng 3 m.​

Mật độ thiết kế vườn ương bầu có tầng lá từ 120.000 - 130.000 bầu/ha nếu kích thước bầu là 18 x 35 cm hoặc từ 150.000 - 160,000 bầu/ha nếu kích thước bầu là 16 x 33 cm.​

Thiết kế hàng theo 2 cách:​

+ Hàng đơn: xếp một hàng bầu vào rãnh, khoảng cách giữa hai tâm rãnh cách nhau 0,7 - 0,8 m.​

+ Hàng kép: xếp hai hàng bầu vào rãnh, khoảng cách giữa hai tâm hàng kép là 1,2 m. Đặt bầu thành hai hàng cách nhau 5 – 10 cm để có thể đặt ống tưới theo từng hàng kép.​

Đặt bầu xuống rãnh ở độ sâu bằng 2/3 chiều cao bầu hoặc miệng bầu cao hơn mặt đất 10 cm.​

Chuẩn bị bầu đất

Túi bầu PE nguyên sinh: dày 0,08 mm, 1/2 chiều dài bầu ở phần đáy có đục nhiều lỗ, các lỗ cách nhau 6 cm, đường kính lỗ 5 mm.​

Kích thước túi bầu: tùy điều kiện thực tế, có thể sử dụng bầu có kích thước 14 x 33 cm, 16 x 33 cm hoặc 18 x 35 cm.​

Chọn đất thịt có kết cấu tơi xốp để vào bầu (đất tại chỗ hoặc chở từ nơi khác đến). Đối với đất xám, chọn đất có tỷ lệ cát thấp để tránh vỡ bầu. Đất khi cho vào bầu phải tương đối khô​

Phân bón lót:​

+ Phân lân nung chảy 8 - 10 gram/bầu.​

+ Hữu cơ vi sinh 30 - 50 gram/bầu hoặc phân chuồng hoai 50 - 100 gram/bầu.​

Cho đất vào bầu: đất tơi xốp được trộn đều với phân lót theo định lượng. Lượt đầu, cho đất vào khoảng 2/3 chiều cao túi bầu, lắc đều vừa đủ chặt; lượt sau cho đất đầy bằng miệng bầu, lại lắc đều cho đất xuống cách miệng bầu 1 cm. Bầu đất phải tròn đều, không gãy ở giữa.​

Chuẩn bị hạt gốc ghép

Số lượng hạt gốc ghép cần cho 1 hạ vườn ương bầu khoảng 1.200 - 1.600 kg/ha tùy theo mật độ thiết kế và loại hạt gốc ghép.​

Hạt làm gốc ghép: ưu tiên sử dụng hạt của các dòng vô tính GT 1 và PB 260, kế đến là hạt các dòng vô tính phổ biến khác. Chọn hạt mới rụng có vỏ sáng bóng và phôi nhũ tươi. Bảo quản hạt nơi có mái che, thoáng mát; rải hạt trên nền đất không dày quá 20 cm và rấm hạt ngay trong vòng 3 ngày.​

Số lượng hạt gốc ghép cho vườn ương tum khoảng 1.200 kg/ha.​

Xử lý hạt: đặt ngửa hạt, gõ nhẹ để vỏ hạt vừa nứt ra, sau đó ngâm trong nước sạch 24 giờ; sau 12 giờ thì thay nước sạch một lần; - Rấm hạt: líp rấm rộng 1 m và cao 15 cm, bên trên phủ cát mịn dày 5 cm, giữa các líp có lối đi và có mái che. Hạt sau khi ngâm được đặt úp bụng sát nhau thành một lớp trên líp và phủ cát đủ kín hạt, số lượng khoảng 1.000 - 1.200 hạt/m²;​

Tưới nước nhẹ 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và chiều mát, lượng nước khoảng 4 lít/m2/lần tưới. Tránh để nước đọng trên líp rấm; Phòng kiến, mối vào líp rấm bằng cách phun hoặc rải thuốc diệt côn trùng quanh líp.​

Trồng cây vào bầu

Trước khi trồng cây vào bầu 1 - 2 ngày, đất trong bầu phải được tưới đẫm nước.​

Chọn những cây có thân mầm khỏe và chỉ có một rễ cọc phát triển bình thường (rễ thẳng không bị xoắn, không bị dị dạng, không bị gãy...) với chiều dài rễ khoảng 3 - 10 cm đem trồng vào bầu, chọn những cây cùng chiều cao để trồng cùng lượt.​

Trồng cây vào lúc trời mát, chọc lỗ ở giữa bầu để trồng một cây, đặt rễ cọc thẳng xuống trong lỗ, ém đất chặt rễ và phủ đất mịn che hạt, không trồng cây bị gãy thân mầm hoặc rễ cọc.​

Trong vòng 20 ngày sau khi trồng cây, hàng ngày kiểm tra thay thế ngay những cây không đạt yêu cầu như: gãy chồi, thui ngọn, mọc yếu, xì mủ trên thân, bạch tạng…​

Đối với các vườn ương ở vùng đất đỏ, có thể đặt hạt vào bầu sau khi hạt rấm nứt mầm với số lượng 2 hạt/bầu và tiến hành tỉa loại bớt 1 cây sau khi cây được 1 tầng lá ổn định.​

Chăm sóc gốc ghép

Tưới đẫm nước ngay sau khi trồng cây để lèn đất chặt quanh bộ rễ. Mùa khô phải tưới nước thường xuyên, bảo đảm giữ đủ ẩm đến đáy bầu. Lượng nước tưới khoảng 10 lít nước/m²/lần tưới.​

Vườn ương phải được giữ sạch cỏ bằng phương pháp thủ công hay hóa chất. Không khuyến cáo sử dụng màng phủ PE để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm giữa hàng.​

Ghép cây

Thời gian ghép: ghép rải vụ từ tháng 2 đến tháng 5 để cung cấp cây giống trồng trong năm hoặc có thể kéo dài đến tháng 11 để chuẩn bị cây giống cho năm sau.​

Tiến hành ghép khi cây trong bầu có đường kính gốc đạt trên 8 mm đo ở vị trí cách mặt đất 10 cm.​

Ghép cây lúc trời mát, không ghép khi gốc ghép còn ướt, không tưới nước trong ngày ghép.​

Gỗ ghép có tuổi cành tương đương với gốc ghép, bóc vỏ dễ dàng. Có thể sử dụng mắt non, mắt xanh, mắt xanh nâu hoặc mắt nâu xanh.​

Cắt ngọn, chuyển bầu

Sau khi ghép 20 ngày thì mở băng. Sau khi mở băng ít nhất 15 ngày mới cắt ngọn.​

Cắt ngọn bầu có cây ghép sống đạt đường kính gốc từ 10 mm đo cách mặt đất 10 cm. Cắt ngọn cao khoảng 5 - 7 cm cách mí trên của mắt ghép, bôi ngay vaselin lên trên mặt cắt. Nếu gốc ghép nhỏ nên cắt ngọn cao hơn, khoảng 10 - 12 cm cách mắt ghép.​

Sau khi cắt ngọn, nhấc bầu lên khỏi rãnh, cắt bỏ phần rễ đâm ra ngoài bầu, tập trung bầu gần đường vận chuyển. Giữ bầu vừa đủ ẩm khi vận chuyển để tránh long gốc, vỡ bầu.​

Chăm sóc bầu tầng lá

Chuyển và sắp bầu: bầu cắt ngọn được chuyển đến vườn ương bầu có tầng lá. Đặt bầu theo hàng kép sâu khoảng 10 cm, mắt ghép quay ra phía ngoài. Khoảng giữa hai hàng kép rộng 60 cm;​

Chăm sóc bầu có tầng lá: tưới nước đủ ẩm, thường xuyên tỉa chồi dại. Vườn ương phải giữ sạch cỏ, nhổ hết cỏ trong bầu. Phòng bệnh định kỳ kết hợp bón phân qua lá;​

Chọn bầu có tầng lá trên cùng ổn định, đồng đều để trồng phải đảo bầu (nhấc bầu lên và đặt lại tại chỗ) trước khi mang đi trồng khoảng 1 tuần.​
 
Back
Top