Cỏ dại thường mọc nhiều trong vườn tiêu, cần quản lý cỏ hợp lý để không cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và gây hại với cây tiêu.
Hạn chế cỏ dại
Trước khi trồng, cần khai hoang cày bừa đất kỹ. Sau đó tiến hành xử lý, thu gom dọn sạch cỏ dại gồm thân ngầm, cành.
Dùng rơm rạ, thân lá thực vật che phủ mặt đất.
Trồng xen, trồng cây phủ đất để hạn chế cỏ dại.
Hạn chế sự xâm nhập cơ giới của cỏ dại vào vườn tiêu bằng cách: Không dùng các loại cỏ có khả năng sinh sản vô tính để làm vật liệu tủ gốc. Không sử dụng các loại cỏ đã ra hoa làm chất độn chuồng và bón cho vườn tiêu.
Diệt trừ cỏ dại
Dùng biện pháp thủ công
Dùng cuốc xới xáo (tránh ảnh hưởng đến bộ rễ của cây), số lần xới tùy thuộc vào lượng cỏ dại nhiều hay ít và mức độ sinh trưởng của cỏ dại mạnh hay yếu.
Nhổ cỏ bằng tay.
Dùng máy cắt cỏ hoặc phát cỏ: vào mùa mưa, với những vườn tiêu trồng trên đất dốc, tiến hành cắt hoặc phát cỏ thấp trên hàng, cách mặt đất 5 - 7 cm để tạo thành thảm phủ giúp hạn chế xói mòn rửa trôi.
Cỏ mọc gần gốc tiêu phải nhổ bằng tay.
Dùng thuốc hóa học
Chỉ sử dụng thuốc trừ cỏ để phun trước khi trồng nếu khu đất có quá nhiều cỏ khó diệt.
Thu gom và xử lý cỏ dại
Sau khi làm cỏ không để thành đống, không để trong gốc tiêu, không để khô rồi đốt, không rải mỏng cỏ trên hàng hoặc trên băng trong vườn tiêu.
Biện pháp xử lý cành lá rụng, cỏ dại: Tàn dư thực vật trên lô được cho xuống các rãnh trên thành bồn hoặc các hố rút nước tại chỗ. Phun chế phẩm sinh học có chứa nấm Trichoderma để phân giải tàn dư thực vật và cung cấp vi sinh vật đối kháng với nấm bệnh, tuyến trùng.
Một số loài cỏ dại thường gặp trong vườn tiêu
Các loài cỏ hàng năm: như cỏ mực, cỏ xước, cỏ bợ, cỏ ngọt, cỏ hôi, cỏ sữa…
Các loài cỏ lâu năm: cỏ tranh, cỏ gấu, cỏ gừng, cỏ gà… rất khó tiêu diệt.