Vườn ươm cần làm giàn che cho cây con khi nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ không phù hợp. Đất được làm kỹ, tạo luống thuận lợi cho chăm sóc.
Làm giàn che cây ươm
Cây con rất mẫn cảm với điều kiện khí hậu (nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ). Thiết kế giàn che để hạn chế ánh sáng trong vườn ươm, giảm nhiệt độ, tăng ẩm độ, đồng thời tạo điều kiện cho cây con phát triển tốt.
Vật liệu được sử dụng để làm giàn che cây con: Lưới, nilon,….
Có 2 loại giàn che sáng: Giàn che cao và giàn che thấp.
Hệ thống giàn che bóng cao: Là một hệ thống cố định và có độ cao khoảng 2 m (kể từ mặt luống).
Ưu điểm: Dễ làm cỏ.
Nhược điểm: Với những giàn cố định mái khi cây ra rễ phải mất công vận chuyển cây ra luống bên ngoài, nơi có ánh sáng mặt trời chiếu.
Hiện nay giàn che cao đã được cải tiến nhiều. Nhiều giàn che chỉ làm cố định bộ khung, còn lưới vẫn có thể kéo ra kéo vào vì vậy không phải mất công vận chuyển cây ra ngoài ánh sáng mặt trời.
Hệ thống giàn che bóng thấp: Là hình thức che bóng tạm thời, tấm che nắng được phủ lên trên luống giâm hom.
Ưu điểm: Là tấm che sáng có thể đưa dễ dàng ra khỏi luống giâm hom khi cây đến giai đoạn ra rễ.
Nhược điểm: Khó làm cỏ.
Làm đất
Trước khi gieo hạt từ 1 - 2 tháng, tiến hành cày bừa kỹ, loại bỏ cỏ dại, san phẳng mặt ruộng. Trước khi gieo hạt từ 10 - 15 ngày xử lý tiêu diệt nấm và sâu bệnh có trong đất.
Lưu ý: Nếu đất chua thì cần bón thêm vôi bột để khử chua đất. Tùy thuộc vào độ chua của đất mà ta xác định lượng vôi bón cho thích hợp. Thông thường người ta bón từ khoảng 500 kg/ha.
Trong khi làm đất chúng ta phải loại sạch cỏ dại, đặc biệt là cỏ gấu, cỏ tranh bằng cách nhặt kỹ, thu gom lại, phơi khô rồi đem đốt.
Ở vùng Tây Nguyên chỉ cần cày, nhặt sạch rễ, kết hợp bón vôi cải tạo đất khoảng 500 - 600 kg/ha.
Lên luống
Bề rộng luống 1 - 1,2 m, chiều cao 10 - 15 cm, rãnh rộng 20 cm. Luống gieo hạt bố trí theo hướng Đông Tây.