Chọn thùng đựng phân bón hữu cơ tại nhà
Chọn thùng chứa làm bằng gỗ, nhựa (thùng kín có dung lượng từ 10 - 20 lít tùy vào lượng rác thải của mỗi gia đình).
Bạn nên khoan nhiều lỗ nhỏ ở thùng nhựa để thoát nước.
Chọn vị trí đặt thùng phân hữu cơ
Thùng chứa để ở nơi thoát nước, thoáng, xa nơi sinh hoạt.
Đặt thùng trên bề mặt đất trồng là tốt nhất để đảm bảo giun và các sinh vật có lợi dễ xâm nhập vào phân hữu cơ, nâng cao hiệu quả.
Phân loại rác để làm phân hữu cơ
Rác hữu cơ chia làm 2 loại: phân xanh và phân nâu.
Phân xanh cung cấp Nitơ cho cây gồm các loại rác thải như: rau quả thừa, lá cây tươi, tóc, cỏ vụn xén, cỏ tươi, bả cà phê, bả đậu, vỏ đậu phộng...
Phân nâu cung cấp Carbon cho cây bao gồm: mùn cưa, cỏ khô, rơm rạ, giấy, lá khô, vỏ trứng, túi trà.
Để thúc đẩy quá trình ủ phân hữu cơ, đồng thời ức chế mầm bệnh trong phân ủ, khi ủ có thể dùng thêm phân trùn quế hoặc men vi sinh trichoderma hoặc chế phẩm vi sinh (EM) trộn chung với phân hữu cơ.
Cách trộn các loại phân khi làm phân hữu cơ tại nhà
Tùy theo lượng của từng loại phân, trộn phân xanh và phân nâu như sau:
Một lớp phân nâu (10 cm) tiếp đến 1 lớp phân xanh mỏng rồi đến 1 lớp phân nâu (10 cm), cứ như vậy lớp cuối cùng là lớp phân nâu.
Trộn đều hỗn hợp với trùn quế, men vi sinh trichoderma hoặc chế phẩm vi sinh, ủ sau 2 tuần thì bắt đầu tưới nước vào phân, tưới đủ ẩm, không quá ướt. Độ ẩm khoảng 50 - 55% (dùng tay nắm hỗn hợp phân ủ, thấy nước vừa rịn kẽ tay là được, không nhỏ thành giọt).
Trộn đều phân, che bạt hoặc nilon để tránh mất nhiệt.
Trùn quế, men vi sinh trichoderma, chế phẩm vi sinh mua ở cửa hàng bán phân bón. Tỷ lệ pha trộn theo hướng dẫn trên bao gói.
Lưu ý: Không cần cắt nhỏ phân ra vì chúng ta cần tạo khoảng không giúp không khí lọt vào tạo điều kiện vi sinh vật có lợi sinh sôi, nảy nở.
Kiểm tra độ ẩm, nhiệt độ của phân
Kiểm tra độ ẩm bằng tay
Dùng tay nắm hỗn hợp rác hữu cơ, nếu nước rỉ thành giọt qua kẽ ngón tay cần bổ sung cỏ khô hoặc rơm rạ để cân bằng lượng nước trong rác hữu cơ.
Nếu nắm hỗn hợp rác hữu cơ trong lòng bàn tay, thấy rác tơi và rời rạc thì cần tưới thêm nước và đảo trộn phân đến khi hỗn hợp kết dính thì độ ẩm đặt yêu cầu.
Kiểm tra nhiệt độ
Sau 3 - 5 ngày ủ, kiểm tra nhiệt độ. Nhiệt độ lên 55 - 60°C, phun thêm nước để duy trì độ ẩm, nếu thấy khô.
Nếu nhiệt độ ủ vượt quá 65°C, lúc này cần phải đảo trộn nguyên liệu thêm một lần nữa, có thể dùng gậy có đường kính 5 - 10 cm tạo thành các lỗ trong chậu ủ phân.
Cách đo nhiệt độ
Dùng nhiệt kế: Cắm vào giữa chậu ủ phân.
Kiểm tra nhiệt độ bằng cách dùng một cành tươi cắm vào giữa khối phân ủ. Sau 5 hoặc 6 ngày rút cành cây ra khỏi đống phân và sờ vào phần cắm trong khối phân ủ, nếu thấy cành cây nóng mạnh là đạt yêu cầu.
Trong trường hợp nhiệt độ không tăng lên thì phân ủ không đạt yêu cầu có thể do thiếu độ ẩm, thiếu vi sinh vật. Độ ẩm lý tưởng nhất là từ 40 - 60%. Nếu phân ủ quá ướt hoặc quá khô sẽ dẫn đến vi sinh vật không thể phân hủy được phân hữu cơ này.
Sau 30 - 45 ngày thì phân hoai mục hoàn toàn, có thể đem sử dụng.
Cách sử dụng phân hữu cơ tại nhà
Sau 1 tháng kiểm tra xem phân ủ đã hoai mục chưa.
Khi thấy phân hữu cơ đã phân hủy hoàn toàn có đặc điểm: Phân chuyển sang màu nâu đất, có mùi của đất, phân hữu cơ vụn ra và trông giống như mùn, trong trường hợp nếu là mùn cưa, gỗ thì sẽ thành dạng hình sợi.
Khi phân ủ đã được phân hủy hoàn toàn tạo thành mùn thì đem đi bón cho cây.
Bón phân hữu cơ đã ủ xung quanh gốc cây trong quá trình trồng cây.
Bạn có thể trộn phân hữu cơ với đất trước khi gieo trồng.