Cây vú sữa có thể được nhân giống bằng nhiều cách như trồng từ hạt, giâm cành, chiết cành và ghép. Trong đó phương pháp ghép được sử dụng rộng rãi.
Trồng từ hạt
Vú sữa được trồng từ hạt là cách nhân giống dễ làm nhất, tuy nhiên cây vú sữa trồng từ hạt thường cao, tán lớn, hay bị biến dị, quả không giống với quả của cây mẹ, lâu cho quả (7 - 8 năm sau trồng).
Hiện nay không áp dụng phương pháp nhân giống từ hạt, hạt chủ yếu được gieo để làm gốc ghép.
Giâm cành
Giâm cành vú sữa có hệ số nhân giống cao nhưng đòi hỏi phải có nhà phun sương với hệ thống phun tự động, kiểm soát được ẩm độ và cần chất kích thích ra rễ.
Cơ sở sản xuất nhỏ có thể thay thế nhà phun sương bằng nhà màng kết hợp với phun sương bằng bình xịt.
Chiết cành
Nhân giống bằng phương pháp chiết cành cũng dễ làm, giữ được đặc tính của cây mẹ, cây mau cho quả.
Tuy nhiên, chiết cành cần nhiều công lao động, cây mẹ sẽ mất nhiều cành và cũng chỉ chiết cành có đường kính lớn, thời gian cần cho cành ra rễ dài từ 4 - 6 tháng, tỉ lệ thành công không cao, nên hệ số nhân giống thấp.
Cây chiết có rễ ăn nông, nên thích hợp trồng ở vùng có mực thủy cấp gần mặt liếp, nhưng cây dễ bị lật gốc, do đó phương pháp chiết cành hiện nay ít được sử dụng.
Ghép
Ghép là phương pháp nhân giống phổ biến đối với vú sữa hiện nay, có các kiểu ghép: ghép treo bầu (ghép áp giả) và ghép cành rời theo kiểu nêm ngay dưới vỏ.
Hiện nay phương pháp ghép phổ biến nhất là ghép treo bầu.