Lượng mưa và ẩm độ
Trong điều kiện thủy lợi chưa hoàn chỉnh, lượng mưa là một trong những yếu tố khí hậu có tính chất quyết định đến việc hình thành các vùng trồng lúa và các vụ lúa trong năm.
Trong mùa mưa ẩm, lượng mưa cần thiết cho cây lúa trung bình là 6 - 7 mm/ngày và 8 - 9 mm/ngày trong mùa khô nếu không có nguồn nước khác bổ sung. Nếu tính luôn lượng nước thấm rút và bốc hơi thì trung bình 1 tháng cây lúa cần lượng mưa khoảng 200 mm và suốt vụ lúa 5 tháng cần khoảng 1000 mm.
Nếu công tác thủy lợi được thực hiện tốt, ruộng lúa chủ động nước thì mưa không có lợi cho sự gia tăng năng suất lúa. Ngược lại mưa nhiều, gió to, trời âm u, ít nắng, cây lúa phát triển không thuận lợi. Mưa còn tạo điều kiện ẩm độ cho sâu bệnh phát triển làm hại lúa.
Thủy văn
Ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển, điều kiện thủy văn quyết định chế độ nước, mùa vụ, tập quán canh tác và hình thành các vùng trồng lúa khác nhau.
Hàng năm nước bắt đầu ngập ruộng từ tháng 7 - 8 tùy nơi, và đạt cao nhất vào tháng 9 đến tháng 10 trùng với đỉnh cao của mùa mưa, sau đó giảm dần đến tháng 12 và tháng 1 năm sau thì khô ruộng.
Ở mỗi nơi tùy theo địa hình cao hay thấp, gần hay xa sông mà thời gian ngập nước và độ ngập sâu cạn khác nhau. Từ đó, đã hình thành các vùng trồng lúa, kiểu canh tác và mùa vụ khác nhau.
Hiện nay do công tác đê điều, thủy lợi đã được làm khá tốt, nhất là các tỉnh ở miền Bắc nên ảnh hưởng của mực nước sông đến sản xuất lúa đã được chủ động khống chế.