Mận (roi) hữu cơ trở thành trái cây cao cấp

VietPlant - Quản trị viên

Administrator
Thành viên BQT
Từ một giống mận đột biến trong vườn nhà, anh Trần Văn Phục ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) dành 3,5 năm để nghiên cứu và trồng thử nghiệm giống mận MST với quy mô 5.000 m2. Sau đó, anh tiếp tục lai tạo để tìm ra sản phẩm ưu việt hơn và đặt tên cho “đứa con tinh thần” này là mận hồng Sân Tiên.


Anh Phục bắt đầu hành trình làm giàu bằng dấu mốc cách đây khoảng 4 năm khi mận hồng Sân Tiên được anh đưa vào trồng đại trà và xây dựng trang trại quy mô lớn. Đi ngược với phương pháp sản xuất truyền thống, ngay từ đầu anh Phục xác định mận hồng Sân Tiên phải trồng theo hướng hữu cơ mới có thể phát triển bền vững.​


Anh chọn mật độ trồng 40 cây/1.000 m2, cây cách cây khoảng 4 m. Với cách trồng này, trong giai đoạn cây sinh trưởng chỉ cần bón phân 2 lần/tháng. Khi chín, mận hồng Sân Tiên có ưu điểm nổi trội là trái to (từ 4 - 5 trái/kg), màu hồng đậm bắt mắt, giòn, ngọt, ráo nước, thuận tiện trong quá trình vận chuyển. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 14 tháng.​


screenshot_1753166644_1753166489.png


Anh Trần Văn Phục ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) - chủ nhân giống mận hồng Sân Tiên được canh tác theo quy trình hữu cơ đang chiếm lĩnh thị trường trái cây nội địa cao cấp. Ảnh: Kim Anh.


Mỗi năm mận thể cho thu hoạch 3 vụ, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha. Đặc biệt, sản phẩm hiện được liên kết tiêu thụ với các nhà hàng, khu du lịch sinh thái trên địa bàn TP Cần Thơ và các cửa hàng nông sản ở Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp... với giá bán lên tới 230.000 đồng/kg (với sản phẩm đạt độ đường 15%).​


Anh Phục xác định mận là trái cây ăn trực tiếp cả vỏ, nếu sản phẩm không đảm bảo an toàn sẽ rất khó tồn tại lâu dài trên thị trường, đặc biệt khi muốn hướng đến phân khúc cao cấp. Do đó, toàn bộ quy trình canh tác đều thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.​


Trong đó, một số yếu tố kỹ thuật cơ bản để trồng mận hữu cơ cần được chú trọng là giảm dần tỷ lệ phân bón hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ theo lộ trình kỹ thuật rõ ràng.​


Khi cây ra trái, tất cả đều phải được bao quả ít nhất hai lần, lần đầu khi mới tượng trái và lần hai trước thu hoạch khoảng 40 ngày để đảm bảo sản phẩm cách ly an toàn với thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng trái đạt độ đồng đều cao.​


Sau thu hoạch, trái mận hữu cơ phải được rửa bằng nước đạt chuẩn độ cứng 20 mg/l, để ráo, phân loại kỹ lưỡng, đóng gói theo quy trình rồi bảo quản trong kho mát ở nhiệt độ khoảng 12 độ C.​


Anh Phục cho biết những yếu tố trên là yêu cầu bắt buộc nếu muốn đưa mận hữu cơ vào được các hệ thống cửa hàng trái cây nội địa cao cấp. Đặc biệt, anh từng thực hiện xét nghiệm đầy đủ trên 100 chỉ tiêu đất, nước, hóa chất tăng trưởng… tại phòng lab với chi phí lên tới hơn 100 triệu đồng cho một lần kiểm tra.​


Việc này cũng được anh duy trì định kỳ với 3 - 5 chỉ tiêu quan trọng nhất sau mỗi đợt thu hoạch, ghi chép đầy đủ, kiểm soát nghiêm ngặt khâu cách ly hóa chất trước thu hoạch.​


Hiện nay, nhãn hiệu "Mận hồng Sân Tiên" đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ và đang hoàn tất hồ sơ để chứng nhận sản phẩm hữu cơ với quy mô 40 hecta.​


 
Back
Top