Xác định mật độ, khoảng cách trồng
Xác định mật độ để có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ trụ, thời gian đặt trụ và trồng cây.
Cây thanh long là cây ưa sáng và cần nhiều ánh nắng, nếu trồng mật độ dày cành đan chéo nhau khó đi lại chăm sóc.
Nên trồng với khoảng cách là 3 x 3 m (hàng cách hàng 3 m, trụ cách trụ 3 m), mật độ 1.100 trụ/ha.
Có thể trồng dày hơn nhưng không dưới 2,5 x 2,5 m hoặc thưa hơn 3,5 x 3 m (hàng cách hàng 3,5 m, trong hàng trụ cách trụ 3 m).
Có thể bố trí trồng xen các loại cây ngắn ngày khác nhưng phải đảm bảo cho thanh long nhận đầy đủ ánh sáng.
Đào hố, đắp mô, đặt trụ vào hố
Đào hố đặt trụ theo khoảng cách và mật độ đã định trước, độ sâu từ 40 - 50 cm để chôn trụ trồng, không bị ngã. Hố có thể đào bằng tay hoặc bằng máy.
Đối với vườn đắp mô, có thể đặt trụ trước hoặc sau đắp mô đều được. Thông thường đắp mô trước rồi mới đặt trụ.
Kích thước mô: Vùng đất thấp, sau khi lên liếp phải đắp mô để cây không ngập úng. Một số nơi đất thấp, người trồng còn đắp mô trồng trụ và cây trước một năm sau mới lên liếp. Chiều cao mô: 30 - 40 cm, rộng 70 - 80 cm để nước không đọng trên mô.
Trụ được đặt ở giữa hố và mô. Khi đặt trụ vào hố hoặc mô phải chú ý đến cao trình của trụ, vì sẽ liên quan đến việc xử lý cây ra hoa sau này (bố trí đèn xử lý cây ra hoa), bên cạnh đó còn liên quan đến quá trình tạo tán tỉa cành về sau, do vậy các trụ phải có cùng độ cao nhất định.
Hiện nay một số nơi như Bình Thuận đã xây trụ bằng gạch, nhưng không bền như trụ bê tông cốt thép.
Bón lót
Đào 3 hoặc 4 hố xung quanh trụ, theo cạnh phẳng của trụ, đào trước trồng 15 ngày.
Nếu bón lót phân trước khi trồng thì hố đào sâu 20 cm, rộng 30 - 40 cm, trộn đều 5 kg phân chuồng hoai mục + 0,2 kg Super lân hoặc 0,3 kg NPK loại 20:20:15 bón cho 1 hố sau đó lấp đất đầy hố.
Trước khi trồng, đảo hỗn hợp phân và đất trong hố. Tạo một hố sâu hơn bầu 2 - 4 cm. Làm phẳng đáy hố và rắc thuốc trừ sâu bệnh sau đó phủ lớp đất lên thuốc dày 5 cm.