Dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ thiết bị chế biến sau thu hoạch, thực tế cho thấy rất ít hợp tác xã (HTX) nhỏ ở nông thôn tiếp cận được với máy sấy nông sản mini – một thiết bị tưởng chừng đơn giản nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản. Vấn đề không nằm ở thiết bị, mà nằm ở cách chính sách đến tay người cần.
Tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp), HTX Nông sản sạch An Phú chuyên trồng chuối xiêm với diện tích gần 30ha. Mỗi mùa thu hoạch, lượng chuối bị hư hao, chín ép phải bỏ đi lên tới 10-15% vì không có phương pháp xử lý sau thu hoạch phù hợp. Ông Lê Văn Quý, Giám đốc HTX, cho biết: “Chúng tôi có nhu cầu mua máy sấy từ ba năm nay, nhưng giá thiết bị khoảng 250–300 triệu đồng, HTX không đủ vốn, còn làm hồ sơ vay hỗ trợ thì quá nhiêu khê. Chúng tôi không có nhân sự rành về thủ tục, cũng không biết hỏi ai.”

Ảnh minh họa
Trong khi đó, tại Vĩnh Long, HTX Khoai lang Bình Tân từng đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ thiết bị chế biến do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Nhưng sau hơn một năm chờ đợi, hồ sơ vẫn không được duyệt. Lý do, theo cán bộ phòng NN&PTNT huyện, là “thiếu phương án sản xuất cụ thể, chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế khi sử dụng máy sấy, và không có vốn đối ứng tối thiểu 30%.”
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, từ năm 2021–2023, cả nước có hơn 7.000 HTX nông nghiệp đăng ký hoạt động, nhưng chỉ khoảng 12% được tiếp cận thiết bị chế biến sau thu hoạch thông qua các chương trình hỗ trợ công. Trong đó, thiết bị phổ biến như máy sấy nhiệt, máy đóng gói chân không, máy tách màu – vốn là “xương sống” của chuỗi chế biến nông sản – lại gần như vắng mặt ở nhóm HTX nhỏ và siêu nhỏ.
Một lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh (xin giấu tên) chia sẻ: “Chúng tôi không thiếu thiết bị mẫu, nhưng thiếu mô hình HTX đủ điều kiện hồ sơ. Hầu hết HTX không có người chuyên trách lập dự án, không có báo cáo tài chính, không biết cách chứng minh hiệu quả đầu tư. Trong khi đó, quy định bắt buộc phải có phương án kinh doanh rõ ràng, vốn đối ứng, cam kết duy trì sử dụng trên 5 năm... đã khiến nhiều nơi nản lòng.”
Như vậy, vấn đề không chỉ nằm ở thiết bị hay ngân sách, mà nằm ở thiết kế chính sách chưa tiếp cận được thực tiễn hoạt động của HTX nhỏ. Những HTX cần nhất thì lại không đủ năng lực để “điền được bộ hồ sơ”. Câu chuyện máy sấy trở thành ví dụ điển hình cho độ vênh giữa chính sách và thực tế.
Để giải quyết bài toán này, các chuyên gia nông nghiệp và quản lý HTX đề xuất một mô hình hỗ trợ mới: gói hỗ trợ “trọn gói kiểu mẫu”. Theo đó, thay vì phát riêng thiết bị, Nhà nước hoặc các tổ chức tài trợ nên:
+ Kết hợp cung cấp máy sấy mini với bộ hướng dẫn làm hồ sơ chuẩn hóa
+ Cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ lập phương án sản xuất ngay tại HTX
+ Lắp đặt, chuyển giao công nghệ và đào tạo vận hành tại chỗ
+ Có chính sách bảo trì và kiểm tra định kỳ trong 2–3 năm đầu
Mô hình này không mới, nhưng nếu được triển khai đồng bộ theo cụm sản xuất – ví dụ như vùng chuyên canh khoai lang Bình Tân, chuối ở Tam Nông, hay mít ở Gia Lai – thì hiệu quả sẽ lớn hơn nhiều so với việc “rải mành mành” thiết bị như hiện nay.
Hơn bao giờ hết, chính sách cần được viết bằng ngôn ngữ của thực tiễn. Khi một thiết bị máy sấy nhỏ cũng trở thành rào cản quá lớn đối với HTX, thì đã đến lúc cần một cách làm mới – đơn giản, dễ tiếp cận, và thực sự đặt người sử dụng làm trung tâm.