Nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc

VietPlant - Quản trị viên

Administrator
Thành viên BQT
Năm ngoái, thị trường Trung Quốc chi tới gần 7 tỷ USD nhập khẩu 1,56 triệu tấn sầu riêng và dự kiến sẽ tăng lên 10 tỷ USD trong vài năm tới.​


Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hơn 809.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan, trị giá trên 4 tỷ USD (giảm so với năm 2023) và tăng nhập sầu riêng từ Việt Nam, đạt 736.720 tấn, trị giá 2,94 tỷ USD.​


Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 155.000ha trồng sầu riêng với năng suất bình quân 25-30 tấn/ha, lại có chung đường biên giới với Trung Quốc nên hoàn toàn có thể vượt qua Thái Lan để trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc.​


screenshot_1744710439_1744710465.png


Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất nhập khẩu rau quả Việt Nam

Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong tháng 3/2025, xuất khẩu rau quả đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu rau quả trong quý I/2025 giảm 13,2%, đạt 1,1 tỷ USD.​


Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 3 tháng đầu năm giảm song Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Malaysia, Hà Lan...​


Theo danh sách các mặt hàng rau quả chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc do Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổng hợp, thì có đến 6 mặt hàng có doanh số từ hơn 100 triệu USD trở lên.​


Dẫn đầu là sầu riêng với kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD, tăng gần 44%; thanh long xếp thứ 2 với 316 triệu USD, giảm 29%; mít thứ 3 với 243 triệu USD, tăng 18%; chuối 225 triệu USD, tăng 6,5%; xoài 129 triệu USD, tăng 13%; hạt dẻ cười 106 triệu USD, tăng 52%. Ngoài ra, còn hàng chục mặt hàng khác có doanh thu từ hơn 1 triệu USD trở lên trong năm 2024, như dưa chuột, lạc tiên, chanh, ổi, nghệ,…​


Tuy nhiên, mặt hàng chủ lực sầu riêng đang gặp khó khăn trong xuất khẩu do từ đầu năm 2025, Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam, mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.​


Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Tài nguyên Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, hiện nay các nhà vườn và doanh nghiệp thu mua đều đang nỗ lực điều chỉnh quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng quả sầu riêng, đảm bảo tiêu chuẩn để sẵn sàng xuất khẩu.​


Hiện nay sầu riêng ở Đắk Lắk đang ra hoa và đậu trái nên chưa thể đưa ra được các dự báo về sản lượng, do cây sầu riêng rất mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết. Mưa rét hoặc hạn hán đều có thể gây ảnh hưởng tới năng suất.​


Ông Côn cho biết, Đắk Lắk đang là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam và khó có tỉnh nào theo kịp cả về diện tích, sản lượng.​


Ước tính sản lượng sầu riêng của toàn tỉnh Đắk Lắk khoảng 400.000 tấn, với hơn 38.000ha trồng sầu riêng. Trái sầu riêng được trồng ở địa bàn cũng được đánh giá cao về chất lượng. Ngoài ra, tỉnh vẫn còn dư địa để tăng diện tích, sản lượng sầu riêng trong thời gian tới, do đó có thể nói Đắk Lắk đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về cả 3 tiêu chí: Sản lượng, năng suất và chất lượng.​


"Vì đây là một vùng nguyên liệu rất tốt, cộng với lợi thế trái sầu riêng thu hoạch sau cùng trong phạm vi khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam, do vậy giá sầu riêng ở Đắk Lắk thường cao nhất so với diễn biến giá cả trong 1 năm.​


Thứ hai, mặc dù phát triển sau các vùng sầu riêng ở miền Tây, song các diện tích sầu riêng của Đắk Lắk lại có thế mạnh được trồng tập trung, hình thành vùng chuyên canh lớn với các giống có chất lượng, cộng với đất đai rộng rãi, thuận lợi để xây dựng nhà xưởng nên Đắk Lắk cũng là nơi đang tập trung các nhà thu mua, chế biến xuất khẩu sầu riêng lớn nhất cả nước" - ông Côn thông tin với Dân Việt.​


Đặc biệt, Đắk Lắk cũng là nơi xuất khẩu lô sầu riêng đông lạnh đầu tiên sang Trung Quốc sau hơn nửa năm Nghị định thư được kí kết.​


Theo đó, ngày 24/3 mới đây, Công ty CP nông sản Nam Đô và đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết và vận chuyển 24 tấn sầu riêng đông lạnh từ nhà máy tại huyện Krông Pắc, Đắk Lắk lên đường sang Trung Quốc.​


screenshot_1744710487_1744710573.png


Lô hàng được xuất khẩu thành công sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, dư lượng nhằm tăng cường thị trường này.​


"Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 2 huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với trái sầu riêng là Cư M’Gar và Krông Pắc. Về lâu dài, chúng tôi cũng phấn đấu xây dựng thương hiệu sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. Sở Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các doanh để đáp ứng quy định mới của Trung Quốc" - ông Vũ Đức Côn cho biết thêm.​


Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, siết chặt quản lý bằng chế tài đủ mạnh


Theo Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, dự báo năm nay thị trường sầu riêng sẽ không có biến động nhiều về giá cả.​


Tuy nhiên, trước sự phức tạp của thị trường, để người nông dân lẫn doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả nhất giá trị từ cây sầu riêng, ông Vũ Đức Côn đề nghị các cấp ngành chức năng đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng; cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài mạnh mẽ hơn cũng như cơ chế siết chặt việc quản lý chất lượng sầu riêng xuất khẩu, đồng thời sớm hình thành các tiêu chuẩn, quy định rõ ràng để tất cả các khâu trong chuỗi ngành hàng biết và thực hiện nhuần nhuyễn...​


Theo anh Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng cho biết, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chính cho sản phẩm sầu riêng nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.​


Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển và đời sống nâng cao thì nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc cũng đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng cao trong việc ăn ngon, ăn an toàn, mặc đẹp.​


Vì vậy, muốn làm ăn bền vững với thị trường Trung Quốc, nông dân cũng như doanh nghiệp chúng ta bắt buộc phải thay đổi tư duy.​


Theo đó, phía người nông dân trồng trọt phải đồng bộ hóa quy trình canh tác, sử dụng các sản phẩm phân và thuốc đúng theo tiêu chuẩn, không lạm dụng và không sử dụng các sản phẩm có hoạt chất nằm ngoài danh mục cho phép của phía Trung Quốc... Về phía cơ quan quản lý, cần tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào; chuẩn hóa quy trình sơ chế xuất khẩu theo tiêu chuẩn Trung Quốc.​


"Đặc biệt, cơ quan quản lý phải cập nhật liên tục những thay đổi của thị trường, như vậy mới có thể đáp ứng thị hiếu của nước bạn cũng như nâng cao thương hiệu sầu riêng và nông sản Việt Nam nói chung" - anh Vùng nhấn mạnh.​


 
Back
Top