Hiểu về hiện tượng "ngủ nghỉ" của hạt thóc
Đây là hiện tượng mà hạt còn sống vẫn không nảy mầm hoặc nảy mầm rất chậm, ngay cả khi được đặt trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ và oxygen thích hợp cho sự nảy mầm.
Hiện tượng "ngủ nghỉ" thường gặp khi dùng hạt giống lúa mới gặt dùng để gieo ngay.
Thời gian "ngủ nghỉ" của hạt giống phụ thuộc vào từng giống. Có giống lúa thời gian này mất khoảng 15 - 20 ngày, nhưng cũng có giống mất khoảng 60 ngày. Các giống lúa địa phương, giống dài ngày thường có thời gian "ngủ nghỉ" dài hơn các giống lúa ngắn ngày.

Hạt giống mới đem gieo cấy ngay cần được phá vỡ miên trạng.
Nguyên nhân miên trạng chủ yếu là do vỏ hạt còn mới, dày, ít thấm nước và thấm khí và cũng có thể do phôi phát triển chưa đầy đủ hoặc có chất ngăn cản sự nảy mầm ở trong hạt.
Có 6 nguyên nhân gây ra "ngủ nghỉ" thường gặp là: Mầm chưa chín hình thái; Mầm non về sinh lý; Vỏ hạt cứng cơ học; Sự không thấm của vỏ hạt; Sự hiện diện của các chất ngăn cản; Sự ức chế của hệ thống chuyển hoá đặc biệt.
Acid abscisic (ABA), annonalide là những chất ngăn cản sự nảy mầm quan trọng được tìm thấy trong hạt lúa.
Các phương pháp phá ngủ thường dùng

Mầm thóc mạ chuẩn bị đem gieo.
Trong thực tế người dân thường sử dụng một số phương pháp sau:
Phơi nắng
Với giống ngủ nhẹ có thể phá ngủ hạt lúa bằng cách phơi nắng liên tục 4 - 7 ngày (ban đêm có thể phơi sương). Tiếp theo xử lý bằng nước ấm 3 sôi + 2 lạnh (khoảng 52 - 53°C) trong 15 phút. Sau đó ngâm ủ bình thường.
Dùng axit
Với những giống lúa ngủ sâu, lâu: Có thể dùng axit nitric (HNO3) hay axit sulfuric (H2SO4) pha với nước sạch ở nồng độ 0,3‰. Ngâm hạt giống trong 24 giờ với dụng cụ bằng sành sứ hay thủy tinh, nhựa, xong xả sạch bằng nước thường và ủ. Biện pháp này hữu hiệu nhất, sau khi xử lý, tỷ lệ nẩy mầm có thể đạt trên 90%.
Sấy
Nếu có điều kiện, có thể sấy hạt giống lúa ở nhiệt độ 52 - 53°C trong 96 giờ cũng phá được miên trạng (trạng thái ngủ nghỉ).