Nấm hồng là một loại bệnh hại phổ biến trên cây cà phê. Bệnh gây hại chủ yếu ở chùm quả và cành non, làm cây khô héo và chết. Trong tháng 8/2024, bà con trồng cà phê tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông cần lưu ý phòng trừ bệnh nấm hồng.

Bệnh gây hại trên quả và cành. Đầu tiên trên quả hay cành xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng sau này có màu hồng, vết cũ có màu trắng xám vỏ cành bị nứt nẻ.

Nếu xuất hiện ở cành thì thường nằm ở mặt dưới cành, nếu ở quả thường từ cuống quả. Vết bệnh phát triển chạy dọc theo cành và làm cành chết khô, quả héo và rụng.
Đây là bệnh gây hại nặng trên cây cà phê chè, cà phê vối cũng bị rải rác. Các cây cà phê kiến thiết cơ bản có thể chết nếu bị bệnh nấm hồng nặng.

Bệnh do nấm Corticum salmonicolor Berkeley & Broome gây nên.

Bệnh thích hợp với điều kiện ẩm độ cao nhưng lại nhiều ánh sáng. Do đó trong vườn cây, bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên, ít thấy ở tầng dưới.
Bệnh thường phát sinh trong các tháng cuối mùa mưa. Tại Tây Nguyên bệnh phát sinh từ tháng 6,7, cao điểm vào tháng 9 và chấm dứt vào cuối mùa mưa (tháng 10, 11).
Bệnh tuy phát triển rất nhanh trên từng cây, tốc độ làm chết cành rất nhanh nhưng lây lan từ cây này sang cây khác thì chậm.

Bà con cần thăm vườn thường xuyên.
Cần tỉa cành, tạo hình làm cho bộ tán cây thông thoáng và giữ cho lô trồng không quá ẩm ướt.





Hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng:
+ Azoxystrobin 400.00g/kg + Difenoconazole 250.00g/kg
+ Bạc nano 1.00g/l + Chitosan 25.00g/l
+ Ningnanmycin
+ Trichoderma viride
Ban biên tập