Bệnh xì mủ (hay còn gọi là bệnh chảy gôm) là bệnh nguy hiểm và thường gặp trên cây mít. Bệnh do nấm Phytophthora gây ra. Ngoài gây hại chính trên thân rễ, bệnh còn tấn công trên trái gây thối trái, làm giảm chất lượng cũng như giá trị thương phẩm của trái mít.
Trong giai đoạn 2 tuần đầu tháng 12, nhà vườn trồng mít tại các tỉnh phía Nam bao gồm Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai cần đề phòng bệnh nứt thân xì mủ/chảy nhựa/chảy gôm có những diễn biến phức tạp.
Nội dung bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn bà con cách nhận diện tình trạng bệnh nứt thân xì mủ, nguyên nhân, điều kiện phát sinh gây hại và các biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả.
Triệu chứng nhận biết bệnh nứt thân xì mủ trên cây mít
Đầu tiên cây mít bị bệnh nứt thân xì mủ phát triển kém, trên thân có những vết màu thâm đen chảy nước, xì mủ, lá chuyển vàng héo rụng. Bệnh nặng gây chết cả cây.
Nguyên nhân và điều kiện phát sinh bệnh nứt thân xì mủ trên mít
Bệnh nứt thân xì mủ hay bệnh chảy gôm xuất hiện trên cây mít do nấm Phytophthora palmivora gây nên.
Bệnh phát triển trong điều kiện vườn rậm rạp, trồng dày, thoát nước kém.
Những vườn mít thường xuyên sử dụng phân hóa học, ít sử dụng phân hữu cơ có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Bệnh nứt thân xì mủ thường phát sinh nặng hơn trong điều kiện mưa nhiều, độ ẩm không khí tăng cao.
Biện pháp phòng ngừa bệnh nứt thân xì mủ hại mít
Với các nhà vườn ở Tây Nam Bộ cần thực hiện đắp mô cao, đồng thời giữ mực nước trong mương thấp, cách mặt liếp 0,5 m.
Thoát nước tốt cho vườn trong mùa mưa, tránh đọng nước trên bề mặt liếp, đặc biệt là xung quanh gốc mít.
Trồng cây với mật độ thích hợp, tỉa cành tạo tán giúp cho vườn thông thoáng.
Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, kết hợp với sản phẩm có chứa nấm Trichoderma (Trico - ĐHCT).
Trường hợp cây bị bệnh nặng cần thực hiện thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị nhiễm bệnh.
Thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trên vườn cây. Bệnh trong giai đoạn sớm vẫn có thể sử dụng thuốc BVTV để điều trị và hạn chế tổn thất kinh tế nếu để cây nhiễm bệnh nặng và khắp vườn.
Một số hoạt chất BVTV tham khảo để phòng trừ bệnh nứt thân xì mủ trên mít:
+Amisulbrom
+Azoxystrobin 200.00g/l + Difenoconazole 150.00g/l
+Azoxystrobin 250.00g/l + Difenoconazole 150.00g/l
+Citrus oil
+Cymoxanil 8.00%
+Dimethomorph
+Mancozeb 64.00% + Metalaxyl 8.00%
+Mancozeb 640.00g/kg + Metalaxyl-m 4.00%
+Mancozeb 64.00% + Metalaxyl-m 4.00%
+Metalaxyl
+Streptomyces lydicus wyec 108
+Streptomyces lydicus wyec 108 1.30% + Fe 21.90% + Humic acid 47.00%
+Thiodiazole copper
+Trichoderma viride
Ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi các biện pháp phòng trừ khác không hiệu quả.
Đọc kỹ thông tin trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng (Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách).
Phun thuốc khi trời nắng ráo, khô sương, không phun thuốc khi nhiệt độ và độ ẩm cao. Phun lúc sáng hoặc chiều tối.