Rất nhiều khách hàng của mobiAgri đã liên hệ với chuyên gia Hoa cây cảnh - TS. Phạm Thị Liên để xin tư vấn cách chăm sóc, phục hồi cây hoa mai sau Tết Nguyên đán. Sau đây là hướng dẫn chi tiết cách phục hồi cây mai từ TS. Liên.
Bước 1: Mang cây đi phơi nắng từ từ
Cây hoa mai thường được trồng trong chậu, trang trí trong nhà. Đây là nơi thiếu ánh sáng, cây mai sẽ bị thiếu nắng và thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, sau Tết bạn cần đưa cây ra ngoài trời từ từ phơi nắng trở lại.
Tránh phơi nắng trực tiếp và đột ngột, cây sẽ bị héo hết lá non. Trước tiên, để chậu mai dưới nắng dịu vào buổi sáng; buổi trưa che bớt ánh nắng trực tiếp hoặc đặt cây vào nơi râm mát.
1 - 5 ngày đầu, đưa cây ra nắng với thời gian ngắn.
6 - 10 ngày sau, phơi nắng thời gian dài hơn, và sau đó để cây ra ngoài nắng hoàn toàn.
Bước 2: Cắt tỉa cây mai sau Tết
Cắt bỏ nụ, hoa, quả non
Cắt bỏ hết những quả non, chùm hoa đang nở, nụ hoa chưa kịp nở. Tuy nhiên, chỉ nên cắt giữa cuống hoa hoặc cuống nụ hoa, giữ lại phần cuống tiếp giáp với cành, thân cây vì chỗ này có thể sẽ cho nhiều chồi mới.
Không nên giữ hoa để lấy hạt giống trên những cây mai già, vì 2 tháng sau hạt mai mới già, khiến cây mai mất sức do nuôi quá nhiều hạt ảnh hưởng đến thời gian chỉnh sửa, cắt tỉa tạo dáng cây mai.
Chỉnh sửa dáng, cắt chồi, lá non, cành nhánh
Để chỉnh sửa dáng cây, dùng cọc cắm, lạt chẻ từ tre non hoặc dây kim loại mềm để uốn nắn cành.
Uốn khoảng 3 tháng có thể tháo gỡ dây quấn để tránh tạo vết không đẹp trên vỏ cành.
Cắt bỏ bớt nhánh quá dài và nhánh quá dày để tạo dáng hài hòa.
Khi cắt tỉa cần giữ lại các nhánh, cành ít nhất phải có hai mắt lá. Điểm cắt tỉa cành nên cách mắt lá khoảng 5 mm. Nếu cắt đúng kỹ thuật này thì mỗi chỗ cắt sẽ mọc ra hai chồi mới.
Nếu muốn tạo dáng mai gốc to chóp nhỏ, dạng hình tháp thì nên cắt bỏ một phần thân trên.
Trước khi cắt nên xem kỹ để chọn một chồi khỏe mạnh thay thế phần thân cắt bỏ, hoặc một mắt có khả năng mọc và phát triển chồi mạnh để thay thế ngọn. Điểm cắt bỏ phải cách chồi hoặc nách lá thay thế khoảng 5 - 10 mm. khoảng chừa này để dùng lạt buộc ép cái chồi sẽ thay thế ngọn vào cho xuôi chiều đứng của ngọn.
Nếu nách lá chưa mọc thành chồi thì phải chờ cho chồi mọc ra 4 - 5 lá khỏe mạnh rồi mới dùng lạt cột ép vào phần thân để hướng ngọn lên trên. Không buộc ép kịp thời thì chồi thay thế sẽ mọc không theo ý muốn. Phần chừa của thân gần ngọn thay thế sẽ được cắt bỏ sau khi ngọn mới đã cứng cáp.
Bước 3: Chăm sóc giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 (âm lịch)
Đây là giai đoạn quan trọng sau khi cây mai ra hoa đợt Tết, sau Tết cây đã bị suy yếu và cần tiến hành phục hồi cây.
Thay đất
Trong quá trình thay đất, cắt bớt phần rễ già ở 2 bên thành chậu. Sau khi cắt khoảng 15 ngày cây sẽ bắt đầu ra rễ con.
Trộn hỗn hợp xơ dừa, trấu, đất thịt theo tỷ lệ 1:1:3, bổ sung thêm 1 đến 2 kg phân hữu cơ hoai mục hoặc 0,5 - 1 kg phân vi sinh (tùy chậu to hay nhỏ).
Bón phân
Đây là giai đoạn phục hồi và giúp cây mai sinh trưởng thân lá, cần lưu ý bón phân sao cho cành lá phát triển sum suê nhất, nên ưu tiên bón nhiều phân có hàm lượng Đạm và Lân cao hơn Kali.
Bón phân định kỳ 2 tuần/lần.
Các loại phân được khuyến cáo sử dụng là phân hữu cơ hoặc phân vi sinh. Nếu dùng phân vô cơ phải tuân theo liều lượng nhất định tránh cây bị xót.
Tưới nước
Cây hoa mai đặc biệt thích nước sông, nước mương, nước ruộng. Các loại nước này chứa nhiều dưỡng chất cho cây mai phát triển.
Khi trời nắng tưới nước 2 lần/ngày, trời mát tưới một lần/ngày tuỳ theo độ to của gốc để điều chỉnh lượng nước tưới.
Không khí
Luôn đặt cây cao hơn so với mặt đất để không khí lưu thông thường xuyên, giúp giảm các loại bệnh do nấm mốc gây hại.
Ánh sáng
Cây hoa mai thích ánh sáng trực tiếp vì vậy hạn chế đặt cây dưới tán lá cây khác hoặc gần các bức tường.
Định kỳ 2 tuần xoay cây mai một góc 180 độ để cây phát triển đều các phía.
Phòng trừ sâu bệnh
Phun thuốc trừ sâu, bệnh định kỳ 1 tháng/lần.
Bước 4: Chăm sóc giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch
Từ tháng 7 - 9: Cây đã khoẻ mạnh, cành lá sum suê, do vậy cây cần chế độ dinh dưỡng rất cao. Bón các loại phân có hàm lượng Đạm và Lân cao.
Từ tháng 10 - 12: Nên bón các loại phân có nồng độ Kali và Lân cao để nụ hoa mập, cây ra hoa nhiều và màu sắc hoa sặc sỡ hơn.
Cuối tháng 11: Bắt đầu tuốt hết lá để cây tập trung dinh dưỡng cho nụ và ngừng bón phân gốc. Có thể dùng phân bón lá cho cây mai nếu cây sinh trưởng, phát triển kém.
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ 1 lần/tháng.
Với những hướng dẫn cụ thể về cách phục hồi cây mai sau Tết, nếu thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc chúng tôi tin rằng các bạn sẽ có cây mai đẹp vào dịp Tết năm sau.
TS. Phạm Thị Liên - Chuyên gia Hoa cây cảnh mobiAgri