Thời gian qua một số vùng trồng cà phê như Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước rệp sáp xuất hiện, gây hại trên hoa - quả cà phê. Sau đây là một số thông tin về rệp sáp và biện pháp phòng trừ rệp sáp được TS. Đặng Bá Đàn chia sẻ cùng bà con:
Rệp sáp gây hại hoa, quả cà phê trên đồng ruộng có 7 loài, trong đó có hai loại chính là rệp sáp bột tua ngắn (Planococcus kraunhiae Kuwana) và rệp sáp bột tua dài (Ferrisia virgata Cockerell). Rệp sáp có thể ký sinh trên 2000 loài cây trồng khác nhau.
Tác hại của rệp sáp bao gồm:
Rệp chích hút hoa, cuống quả và quả non làm hoa kém phát triển, khô và rụng. Rệp gây hại nặng trong mùa khô, từ sau khi cây ra hoa, quả phát triển, đặc biệt là thời gian có các giai đoạn mưa nắng xen kẽ nhau.
Quan sát thấy kiến, nấm muội đen trên lá, quả, lá cây cà phê, khi có rệp gây hại.
Cây cà phê bị rệp sáp hại.
Biện pháp phòng trừ rệp sáp:
Có thể phòng trừ rệp sáp bằng biện pháp canh tác, sinh học và hóa học, tùy thuộc vào thực thế vườn cây.
- Sau khi thu hoạch cắt tỉa cành thông thoáng, vệ sinh đồng ruộng, cắt bỏ cành bị hại nặng, hạn chế sự lây lan do kiến.
- Thường xuyên kiểm tra vườn cây nhất là vào những năm thời tiết nắng, nóng khô hạn. Quan sát sự xuất hiện của rệp khi có kiến, muội đen.
- Phun nước có áp lực cao để rửa vườn, rửa trôi rệp.
- Sử dụng chế phẩm vi sinh có chứa nấm tím, nấm xanh, giấm gỗ để phun.
- Bảo vệ thiên địch như ong ký sinh, bọ rùa 2 chấm vàng...
Thuốc đặc trị rệp sáp cà phê:
- Khi thấy khoảng 10% số chùm quả trên cây có rệp thì tiến hành phun một trong các loại thuốc đặc trị rệp sáp hại cà phê như sau: Dimethoate, Acetamiprid, Spirotetramate ... phối trộn với dầu khoáng DC- Tron Plus hoặc SK Enspray 99EC làm tăng hiệu quả phòng trừ.
- Bà con lưu ý: Phun theo hướng dẫn, nồng độ khuyến cáo trên bao bì, phun khoảng 2 - 3 lần cách nhau 7 - 10 ngày, chỉ phun cây có rệp.
TS. Đặng Bá Đàn