Thiết kế vườn trồng

  • Người khởi tạo Người khởi tạo Văn Tuệ
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

Văn Tuệ

Member
Thành viên BQT
Thiết kế vườn trồng quýt phải đảm bảo yêu cầu về phòng hộ sinh thái, tiêu thoát nước, thuận lợi trong canh tác. Tùy theo vùng trồng, địa hình miếng đât để thiết kế vườn khác nhau.​


Khi thiết kế vườn trồng cần tạo sự đa dạng. Trong vườn trồng các giống quýt khác nhau, cây che phủ, cây ngắn ngày, cây hàng rào, đai rừng chắn gió và hoa dại nhằm tạo môi trường cho thiên địch xung quanh và trong vườn cây.​

Phân lô

Vườn phải có quy hoạch thành lô, thửa. Tùy địa hình cụ thể, thiết kế thành từng lô 0,5 - 2 ha để dễ quản lý, chăm sóc thu hoạch. Mỗi lô chia thành nhiều thửa.​

Xây dựng hệ thống chống xói mòn, tưới và thoát nước. Lập vườn trên đất dốc cần chống xói mòn bằng cách tạo các luống bậc thang rộng 3 - 5 m theo đường đồng mức.​

trong-tren-dat-doc_1648786272.jpg

Vườn cây có múi trồng trên đất dốc.

Xây dựng đường giao thông nội đồng

Đối với vườn diện tích nhỏ dưới 1 ha không cần phải thiết kế đường giao thông. Vườn có diện tích lớn hơn cần phải phân thành từng lô nhỏ có diện tích từ 0,5 đến 1 ha/lô và có đường giao thông rộng để vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới.​

Vườn có độ dốc cần phải bố trí đường lên, xuống và đường liên đồi. Thiết kế các đường lô, đường liên lô có độ dốc bình quân không được vượt quá 10 độ.​

Đường lô có bề rộng từ 4 - 6 m, không nên thiết kế đường lô quá nhỏ sẽ gây khó khăn trong việc chăm sóc. Đối với đồi có độ dốc bình quân trên 15 độ, phải làm đường lô, liên lô trước khi khai hoang.​

thiet-ke-vuon_1648786344.png

Vườn cây phân lô rõ ràng.

Đai rừng phòng hộ

Tác dụng của đai rừng

Đai rừng phòng hộ có tác dụng hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và giữ nước, làm giảm tốc độ gió bão từ 25 - 40%, giảm lượng bốc hơi nước, giữ ẩm trong mùa khô, giữ nhiệt độ trong mùa lạnh, điều hoà nhiệt độ trong những vùng có gió nóng và thường có hạn đất, hạn không khí xảy ra.​

Đai rừng phòng hộ còn hạn chế được sương muối, sương giá và hạn chế được một phần di chuyển của rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh Greening.​

Cách trồng đai rừng

Trồng đai rừng cách vườn cây 8 - 10 m. Trồng cây tạo thành vành đai bao quanh phía đỉnh đồi Bắc, Nam và đường bao phía Đông của vườn hoặc trồng cây vuông góc với hướng gió chính (cũng có thể lệch 1 góc 30 độ tùy theo địa hình).​

Cây làm đai rừng chắn gió không được là cây ký chủ của sâu bệnh hại giống với cây có múi. Có thể chọn các cây trồng đai rừng như mít, vải, nhãn, xoài, bạch đàn, xà cừ, keo lá tràm, keo dậu, cốt khí, keo tai tượng.​

Một đai rừng có nhiều hàng cây, 1 - 2 hàng cây chính và 2 - 3 hàng cây phụ. Hàng cây chính trồng giữa, ở 2 bên bố trí hàng cây phụ.​

Khoảng cách mỗi hàng cây là 2 - 2,5 m; khoảng cách cây là 1 - 1,5 m tuỳ loại.​

Xây dựng hệ thống tưới tiêu

Cây có múi cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn quả phát triển. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho cây có múi, vào mùa mưa do lượng mưa không phân bố đều, vì vậy vườn cần phải có mương cống để tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết.​

Các hàng cây bố trí theo hướng Bắc - Nam. Bố trí vườn ở cạnh hoặc ở gần nguồn nước để chủ động nước tưới trong điều kiện khô hạn, có rãnh thoát nước trong mùa mưa lũ. Tránh trồng cây ở các vùng hay xảy ra rét đậm, rét hại và có sương giá. Toàn bộ vườn trồng kín cỏ trừ tán cây xung quanh gốc. Cỏ Axonopus được trồng trong các rãnh thoát nước.​

Thiết kế hệ thống tưới:

Vùng đồi: nước được bơm từ trạm bơm nằm ở cuối vườn về phía Nam theo đường ống đặt ngầm dưới đất lên bể chứa trên đỉnh đồi, để lấy nước trực tiếp tưới cho cây.​

Vùng đồng bằng đất thấp và Đồng bằng sông Cửu Long: cần có hệ thống bờ bao để điều tiết nước và phải đào mương lấy đất lên luống (liếp, líp), đắp mô để xả phèn và nâng cao tầng canh tác.​

trong-cay-o-dbscl_1648785989.jpg

Vườn cây ở Đồng bằng sông Cửu Long được đào mương, lên liếp.

Vùng đất cao như Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, miền núi và trung du phía Bắc: chọn nơi có nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô. Không cần phải đào mương lên liếp, chỉ đào hố, trồng ngang quanh mặt đất và đắp bờ vồng xung quanh để khi tưới nước không bị tràn ra ngoài. Đến mùa mưa phá bờ vồng để cây khỏi bị úng nước, nếu không cây sẽ chết và nhiễm bệnh thối gốc chảy mủ do úng nước.​

Hiện nay nhiều nhà vườn xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được nước, phân; vườn luôn được giữ ẩm tốt trong mùa khô, nắng nóng.​

Đắp bờ bao

Việc xây dựng đê bao quanh khu vực vườn là một công tác không thể thiếu được vì ngoài chức năng là vành đai bảo vệ và chống ngập lũ trong mùa mưa, ngăn mặn trong mùa nắng, giữ nước trong mùa khô hạn, đê bao còn đảm nhận nhiều chức năng khác như:​

Là đường giao thông, vận chuyển trong vườn.​

Là nơi xây dựng cống đầu mối để điều tiết nước và lấy nguồn tôm, cá vào vườn.​

Nơi trồng các hàng cây chắn gió.​

Hạn chế chiều cao của liếp.​

Vì vậy, mặt đê bao cần rộng và chắc chắn. Chiều cao của đê thường căn cứ vào đỉnh lũ cao nhất trong vùng để không bị ngập.​

Đặt cống

Sau khi đắp bờ bao, để chủ động mức nước trong vườn, ở bờ bao cần đặt cống để lưu thông nước giữa trong vườn và ngoài vườn. Vườn lớn thường dùng các ống cống bằng bê tông chắc chắn có đường kính 40 - 50 cm để đặt cống đầu mối cho vườn.​

Ngoài ra lắp thêm hệ thống dẫn nước nhỏ để điều tiết nước giữa các mương trong vườn và mương chính dẫn ra cống đầu mối. Các ống cống có thể làm bằng ống nhựa hay thân cây đục rỗng.​
 
Back
Top