Vị trí vườn ươm
Vị trí vườn ươm phải thuận tiện cho việc quản lý chăm sóc như gần nguồn nước, không bị ô nhiễm các chất độc hại cho cây, thuận tiện đường vận chuyển, đất dễ thoát nước, độ dốc không quá 30, tương đối kín gió, nhất là hướng gió chính.
Không nằm trên vùng chăn thả gia súc, gia cầm.
Đối với nền đất mới, nếu đất mặt thích hợp để sử dụng trực tiếp ươm cây thì cần dọn sạch cỏ rác, đánh gốc rễ cây còn sót. Dùng máy phay hoặc cuốc làm cho tầng đất mặt (khoảng 10 - 15cm) tơi xốp. Tất cả các rác thải thực vật, đá sỏi… phải được dọn sạch. Phơi nắng và xịt thuốc mối toàn bộ khu vực vườn ươm và xung quanh vườn.
Làm giàn che
Không nhất thiết phải làm giàn che cho vườn ươm mắc ca.
Vườn ươm cây giống mắc ca không cần giàn che nắng, tuy nhiên cần hàng rào xung quanh để ngừa gia súc, gia cầm phá hoại.
Cây mắc ca ưa sáng hoàn toàn, và thực tế tại Tây Nguyên cho thấy việc sử dụng giàn che không ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ xuất vườn cũng như chất lượng cây giống ghép, do đó phần lớn vườn ươm giống mắc ca không sử dụng giàn lưới che bên trên.
Điều này vừa giảm chi phí, vừa rút ngắn thời gian huấn luyện nắng cho cây trước khi xuất vườn.
Kích thước luống ươm
Rộng 1,0 - 1,2 m; chiều dài tùy thuộc diện tích vườn. Lối đi giữa 2 luống rộng 40 - 50 cm, lối đi giữa 2 đầu luống rộng 50 - 60 cm. Lối đi giữa và xung quanh vườn ươm rộng 0,8 - 1,0m để tiện đi lại kiểm tra.
Xung quanh vườn ươm, cần có các mương thoát nước vào mùa mưa và chống cháy vào mùa khô.
Ở quy mô nông hộ, nhu cầu sản xuất cây giống ít, không nhất thiết phải làm vườn ươm kiên cố. Để tiết kiệm chi phí có thể tận dụng các vật liệu sẵn có để làm vườn ươm. Tuy nhiên, phải đảm bảo các điều kiện cơ bản như nền đất cao không bị úng, che nắng và gió đảm bảo.
Xếp luống bầu ươm.