Tỉa cành
Cây hoa hồng khi đã bén rễ thì phát triển nhanh. Muốn có bộ tán lá gọn đẹp thì phải thường xuyên cắt bỏ bớt những cành mọc rườm rà, hoặc những cành quá yếu ớt, những nơi nhiều chồi mọc cần tỉa bớt.
Những cành bị sâu, bị khô héo thì nên cắt bỏ hẳn phần khô héo đó và giữ lại phần cành còn tươi. Nên dùng dao sắc hoặc kéo bén để cắt cho ngọt, tránh để vết cắt bị dập, vì ở đó sẽ đâm tược non.
Việc tỉa cành nên làm thường xuyên, và những cành xét thấy cần cắt bỏ thì nên dứt khoát cắt bỏ hẳn, không nên ... thương tiếc.
Khi cắt cành xong, ta nên dùng chút vôi bôi lên chỗ cắt để phòng ngừa nấm dại xâm nhập làm hư thối vết cắt.
Ngắt lá
Cây hoa hồng cũng có hiện tượng vàng lá, thường xảy ra trong mùa mưa. Đây là những lá già hoặc bị sâu bệnh phá hại, cần phải ngắt bỏ hết. Cách ngắt lá hồng cũng như cách ngắt (lặt) lá mai; một tay cầm chặt cành hồng, tay kia cầm chiếc lá vàng đẩy ngược ra sau, như vậy lá sẽ rời cành dễ dàng mà phẩn vỏ cành không bị xước, chỗ lá rụng sau này sẽ mọc lên chồi mới, phát triển nhanh.
Thường xuyên vặt bỏ cành, lá già bị sâu bệnh, nhưng cũng phải bảo vệ và duy trì những cành lá còn lại không được cắt trụi cả cây.
Cắt bỏ nụ hoa, hoa
Chỉ thu hoa ở những cành mầm có chiều cao > 70 cm, đường kính > 0,3 cm những cành, mầm còn lại thì khi ra nụ cần vặt bỏ để nuôi dưỡng cây.
Với những cây còn non yếu hay mới ra hoa đợt đầu, ta nên cắt bỏ hết các nụ hoa để ức chế, kích thích cho cây phát triển những chồi mới, giúp cây có tán lá đẹp hơn.
Cần tỉa bớt hoa thứ cấp để hoa chính thật to. Mỗi nhánh hồng chỉ cần để 1 hoa to là đủ vì cây hồng có 6 - 7 nhánh sẽ cho 6 - 7 hoa đẹp. Sau mỗi năm nên đốn phớt và vài ba năm lại đốn đau 1 lần (cắt sát gốc để chồi mọc lên).