Tỉa cành
Tỉa đau:
Thực hiện sau thu hoạch hoặc trước đợt thu quả cuối cùng. Cắt cùng một lúc tất cả các cành già, các cành ốm yếu, khuyết tật, nằm khuất bên trong tán. Số cành giữ lại trên đầu trụ độ 50 cành. Dùng liềm hoặc dao chặt 3/4 chiều dài của toàn bộ các cành già phía dưới, các tược non sẽ nảy ra từ phần gốc cành được giữ lại.
Ưu điểm: Dễ làm, đỡ tốn công.
Khuyết điểm: Qua nhiều năm các lớp cành chồng chất lên nhau nên bụi thanh long bị đôn lên cao.
Tỉa lựa:
Lựa các cành cần tỉa rồi dùng liềm cán dài giựt đứt khỏi cây.
Ưu điểm: Tạo được sự thông thoáng, qua nhiều năm trụ không đôn lên cao. Giữ được sự cân đối giữa các cành của tán cây.
Khuyết điểm: Tốn công. Sau khi thu hoạch trái xong, thì cần tỉa bỏ những cành khuất trong tán, cành sâu bệnh, để cây thông thoáng.
Cắt bỏ cành ốm yếu, sâu bệnh, cành khuất dưới tán cây.
Sau 4 - 5 năm có thể tỉa đau để trẻ hóa số cành trên thân trụ và giúp cho vườn có năng suất tốt. Những cành già, sâu bệnh sau tỉa được tập trung ủ làm phân bón, hoặc chôn.
Số lượng cành trên cây tăng theo tuổi cây: Cây một tuổi trung bình có độ 30 cành, hai tuổi độ 70 cành, ba tuổi độ 100 cành và bốn tuổi 130 cành, ở cây 5 - 6 tuổi chỉ duy trì độ 150 - 170 cành.
Để thuận lợi cho cắt tỉa cành có thể tham khảo thêm về chiều dài cành thanh long cuối vụ thu hoạch theo số liệu bảng sau:
Tạo tán
Tạo tán cho cây mới trồng:
Sau khi trồng 1 tháng, mỗi cành chọn 1 chồi phát triển tốt nhất, bám chặt vào trụ để sao cho cành từ mặt đất đi thẳng tới đỉnh trụ.
Tạo tán cho cây giai đoạn phát triển:
Khi cành dài 30 - 40 cm: Tiến hành uốn cành nằm xuống đỉnh trụ. Nên uốn vào lúc trưa nắng, lúc này cành mếm dễ uốn, mỗi ngày một ít cho đến khi cành nằm được trên đỉnh trụ, dùng dây nilon buộc lại.
Khi cành đâm chồi: Chọn 1 - 2 chồi phát triển tốt để lại.
Năm thứ 2 tỉa nhẹ khi cần để tạo tán hình cây dù. Tới cuối năm thứ 3 mỗi trụ có độ 100 cành, với lượng cành này phân bố trên đầu trụ dày đặc.
Một số cành già đã cho trái trong những năm trước nếu giữ lại sẽ không cho trái hoặc cho trái nhỏ. Sự tỉa cành làm thông thoáng tán cây và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới. Sau tỉa, cành non đâm ra mạnh hơn.
Tạo tán cây thanh long được tạo tán cơ bản, các cành được cột dây cố định phân đều về 4 hướng, từ đó sẽ được tạo tán tiếp tục cho cành phân bố đều trên trụ bê tông cốt thép.
Hiện nay tại Tiền Giang, Long An người trồng thường tạo tán cho cây thanh long sau một năm tuổi khá đơn giản. Những cành mọc cao qua khỏi đầu trụ được uốn cong và cột dây giữ, khoảng 1 tháng sau cây định hình được khung sơ bộ và lõi hóa gỗ để cây có được khung cơ bản sau này (6 - 8 cành).
Đầu trụ thanh long có 4 cây thép lúc đổ cột chừa lại, sau thời gian trồng khoảng 8 tháng đến 1 năm thì cành thanh long bò đến đỉnh trụ, người trồng sẽ sửa các cành cho phân bố nằm trên vỏ lốp xe đều về 4 hướng.
Trụ thanh long được đổ bê tông cốt thép trên phần đầu trụ, sau đó cho cành thanh long bò luồn vào khung vuông và phân bố ra xung quanh. Tại vị trí uốn cong của các cành sẽ mọc ra nhiều cành mới.
Tạo tán cho cây giai đoạn sau thu hoạch:
Sau khi cây cho trái, hết mùa thu hoạch trái, tỉa bỏ cành cũ bên trong tán, cắt ngang cành và cách gốc 30 - 40 cm nhằm làm giá đỡ cho cây. Cành vừa cho trái vụ trước nên để lại nuôi chồi mới (chỉ để lại 1 chồi trên cành mẹ) khi cành dài 1,2 - 1,5 m thì cắt đọt cành con tạo điều kiện cho cành mập và nhanh cho trái.
Phần cành mới mọc phía dưới sau khi đã tạo được bộ khung cơ bản thì cắt bỏ, những cành này thường gọi là cành vô hiệu vì nó chỉ sử dụng chất dinh dưỡng để phát triển, không cho quả và cành này thường ốm yếu.
Cành vượt được cắt bỏ khỏi trụ thanh long để tập trung dinh dưỡng cho cành mang quả phía trên.