Trồng quất làm ra sản phẩm OCOP

VietPlant - Quản trị viên

Administrator
Thành viên BQT
Chán cảnh cấy lúa trên ruộng thiếu nước, chị Đặng Thị Kim Oanh (xã Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã mạnh dạn chuyển sang trồng quất hữu cơ.


Trồng quất trên đất khó


Chúng tôi tìm về thôn An Tiến, xã Bảo Thắng, hỏi thăm nhà chị Đặng Thị Kim Oanh, người được bà con trong vùng gọi là "người tiên phong" trồng quất tại địa phương. Khác với hình ảnh ruộng lúa manh mún trước kia, khu ruộng nhà chị Oanh giờ đây là một vườn quất xanh mướt, trĩu quả rộng hơn 3 ha.​


screenshot_1752130524_1752130547.png


Cây quất trồng trên đất ruộng sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Kim Thoa.


Ít ai biết, khu đất này trước đây là chân ruộng cao, thường xuyên "khát nước", cấy lúa chẳng ăn thua. Năm 2022, sau nhiều đêm trăn trở và đi tham khảo khắp nơi, lại được cán bộ nông nghiệp xã mách nước, chị Oanh quyết định "đánh cược" với cây quất trên 0,6 ha đất ruộng của gia đình mình.​


Nhớ lại những ngày đầu, chị Oanh vẫn còn vẹn nguyên cảm giác lo lắng: "Ban đầu tôi lo lắm, vì ở tỉnh mình làm gì có ai trồng quất lấy quả để mà học hỏi. Hơn nữa, tôi lại quyết tâm trồng quất theo hướng hữu cơ, nói không với thuốc trừ sâu, cỏ thì làm bằng tay nên công sức bỏ ra nhiều vô kể".​


Thế nhưng, như một cơ duyên, cây quất lại cực kỳ hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Cây lên xanh tốt, sai quả lúc lỉu, thương lái tìm đến tận vườn trả giá cao. Thấy hiệu quả rõ rệt, chị Oanh mạnh dạn mở rộng diện tích lên hơn 3 ha như hiện nay.​


Từ quả quất tươi đến những sản phẩm OCOP 3 sao


Không chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi, chị Oanh nhận thấy nếu chỉ bán thô thì giá trị không cao mà lại phụ thuộc thương lái. Chị mày mò nghiên cứu, quyết tâm chế biến sâu để nâng tầm giá trị cho quả quất quê hương.​


Được cơ quan chuyên môn hỗ trợ, chị cùng gia đình bắt tay vào sản xuất 3 sản phẩm từ quả quất, đó là siro quất gừng mật ong, ô mai quất gừng mật ong và nước chấm quất sả ớt.​


"Bí quyết của tôi đơn giản lắm, chỉ dùng nguyên liệu tự nhiên, giữ trọn vị tươi ngon của quả quất, không dùng bất kỳ chất bảo quản hay phụ gia nào", chị Oanh chia sẻ.​


screenshot_1752130488_1752130614.png


Các sản phẩm chế biến từ quả quất của chị Oanh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Kim Thoa.​


Chính nhờ vậy, sản phẩm của chị Oanh nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Đầu năm nay (2025), cả 3 sản phẩm đã vinh dự được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là một bước ngoặt lớn, đưa sản phẩm chế biến từ quả quất của gia đình chị Oanh vươn xa.​


Chị Oanh bộc bạch: "Hiện giờ, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 30-40 tấn quất tươi. Riêng các sản phẩm chế biến như siro, ô mai, nước chấm quất... cũng bán ra hơn 2.000 hộp/năm. Có việc làm, có thu nhập, bà con trong thôn cũng phấn khởi theo".​


Tạo việc làm với thu nhập chục triệu đồng/tháng cho nhiều lao động địa phương​


Mô hình của chị Oanh không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình mà còn tạo ra công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương. Vườn quất của chị lúc nào cũng có từ 5-7 lao động thường xuyên. Vào vụ thu hoạch cao điểm, con số này tăng lên hơn 10 người.​


Điều đáng nói là mức thu nhập của người lao động ở đây rất ổn định, từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều lao động ở vùng nông thôn.​


Đang nhanh tay hái những quả quất trong vườn, chị Trần Thị Cẩm vui vẻ tâm sự: "Từ ngày vào làm ở vườn nhà chị Oanh, tôi có thu nhập ổn định, không phải lo nay có việc mai lại không. Nhờ thế mà cũng có điều kiện chăm lo cho con cái, gia đình tốt hơn".​


 
Back
Top