Nguồn nước tưới
Có thể sử dụng nguồn nước mặt (hồ, ao) hoặc nước ngầm để tưới; hàm lượng một số hoá chất và kim loại nặng trong nước không vượt mức tối đa cho phép.
Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp cho ớt.
Tưới nước qua các thời kỳ
Từ sau trồng đến hồi xanh
Sau khi trồng phải tưới nước đầy đủ, nhất là mùa nắng, cho cây chóng hồi xanh, sau đó giữ ẩm từ 70 - 80%.
Từ hồi xanh đến ra hoa
Thời gian sau trồng (khoảng 40 - 45 ngày), cây sinh trưởng dinh dưỡng mạnh, yêu cầu ẩm độ 70 - 75% do bộ rễ phát triển sâu.
Có thể tưới bằng phương pháp tưới rãnh, tưới phun mưa
Thời kỳ này cần tủ gốc, giữ ẩm và chú ý không được để đọng nước lâu.
Thời kỳ ra hoa đến thu quả đợt cuối cùng
Từ bắt đầu ra hoa đến thu quả đợt 1: (khoảng 50 - 95 ngày sau trồng) cây ra hoa, ra quả quyết định năng suất sản lượng. Độ ẩm đảm bảo luôn giữ 80 - 85%.
Từ thu quả đợt 1 đến kết thúc chu kỳ sinh trưởng (thu cuối cùng). Cây luôn luôn vừa ra hoa vừa ra quả nên giữ độ ẩm 70 - 85%. sau mỗi lứa thu hoạch tùy điều kiện sinh trưởng trên ruộng mà thúc thêm phân.
Chú ý:
Khi độ ẩm đất xuống 60% cần tiến hành tưới, không nên để đất quá khô nhất là thời kỳ ra hoa, ra quả.
Các phương pháp tưới
Tưới gốc hoặc dùng ô doa tưới:
Chỉ áp dụng với diện tích ít. Phương pháp này tiết kiệm nước nhưng tốn rất nhiều công.
Tưới rãnh (tưới thấm)
Đây là phương pháp hiện đang được áp dụng nhiều nhất.
Tưới thấm vào rãnh tiết kiệm nước, không làm văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, không làm trôi và nén chặt đất mặt luống; tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Cách tưới: Cho nước vào 1/2 chiều cao rãnh để 1- 2 giờ sau đó tháo khô nước không ngâm nước ở rãnh. Khi bị bệnh héo xanh ngừng tưới rãnh.
Đối với ớt, không được tưới tràn trên mặt luống dễ gây úng cho cây và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, giúp kéo dài thời gian thu quả. Nếu tưới rãnh chỉ để nước ngấm vào rãnh rồi tháo ra ngay.
Khi gặp mưa to phải rút hết nước không để ngập úng.
Nên áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân để tiết kiệm chi phí công lao động.
Tưới nhỏ giọt
Phương pháp này tiết kiệm được nước tưới, công lao động, chủ động được độ ẩm của đất, hạn chế sâu bệnh hại. Tuy nhiên chi phí cho hệ thống tưới cao nên chưa được áp dụng nhiều trong sản xuất.
Nếu có điều kiện nên sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.