Trồng thẳng ra vườn
Trong điều kiện trồng với diện tích nhỏ, hom tiêu có thể trồng trực tiếp ra vườn hoặc ươm cho ra rễ rồi trồng.
Hom tiêu cắt đúng tiêu chuẩn có thể đem trồng trực tiếp ra vườn tiêu, che chắn kỹ lưỡng và tưới nước, duy trì độ ẩm, giúp cây ra rễ. Tuy nhiên, việc trồng trực tiếp tỷ lệ sống không cao vì khi trồng hom tiêu chưa ra rễ.
Ươm trên luống
Hom tiêu thân cũng có thể được ươm trên các luống ươm cho đến khi ra rễ rồi đem trồng và che chắn kỹ. Với cách làm này bà con có thể loại bỏ bớt 1 số hom yếu xấu, bộ rễ không đạt yêu cầu.
Đất lên liếp phải tơi xốp, thoát nước tốt, do chỉ giữ hom trong thời gian ngắn nên không cần cho nhiều phân lót vào liếp ươm.
Hom tiêu đặt xiên 45 độ cách nhau 5 - 7 cm, hàng cách hàng 10 cm. Tránh đặt hom quá gần nhau, môi trường ẩm ướt dễ gây rụng lá và bệnh tật làm chết hom tiêu.
Mức độ ra rễ của hom tiêu thân có 2 nút và 3 nút
Sau khi ươm 25 - 30 ngày, hom bắt đầu ra rễ có thể đem trồng. Ươm trên luống thì không nên giữ hom tiêu quá lâu, hom tiêu mọc mầm, rễ ra dài khi nhổ đem đi trồng dễ gây vết thương, ảnh hưởng tới tỷ lệ sống và sinh trưởng của cây con.
Việc trồng thẳng hom tiêu ra vườn và ươm hom tiêu trên liếp thường chỉ áp dụng đối với hom thân.
Ươm trong bầu
Đây là phương pháp hiệu quả và phổ biến nhất, được khuyến cáo cho sản xuất.
Hom tiêu được ươm vào bầu cho tới khi cây phát triển tốt với bộ rễ khỏe thì đem trồng. Với cách này có thể vận chuyển cây con đi xa mà vẫn bảo đảm tỷ lệ sống cao khi trồng.
Đất cho vào bầu phải là lớp đất mặt tốt, trộn kỹ với phân chuồng, phân lân, xơ dừa, phân trùn quế để tạo độ tơi xốp cần thiết. Dùng đất mới để vào bầu, không lấy đất ở những vùng nghi có tuyến trùng, nấm bệnh gây hại.
Đối với dây lươn nên cắm 2 - 3 hom/bầu, còn hom thân có đường kính hom khá lớn, lại mang cành, nên ươm 1 - 2 hom/bầu, thường cắm 1 mắt vào bầu đất.
Đối với hom lươn nên ươm trước mùa mưa 4 - 5 tháng (Tây Nguyên ươm từ tháng 10).
Đối với hom thân ươm trước mùa mưa từ 2 - 3 tháng.