Chăm sóc cây sau khi thu hoạch
Bà con cần tiến hành chăm sóc vườn cam chậm nhất sau 15 ngày thu hoạch để cây nhanh hồi phục, cây khỏe thì hoa quả mới ra nhiều.
Trong giai đoạn này ngoài bón phân, chăm sóc như quy trình, có thể sử dụng các loại phân dưỡng lá có hàm lượng N, phun sương đều tán cây 2 - 3 lần (7 ngày/lần) giúp cây phục hồi nhanh, phát triển tốt, chuẩn bị sức ra hoa. Nên phun xen kẽ thêm 1 lần foodMX1 (35 - 5 - 5 + 5 MgO) với liều lượng 15 gram/8lít, rất tốt đối với cây thiếu Magiê.
Trước khi cây ra hoa
Bón phân đầy đủ trước khi cây ra hoa như hướng dẫn như trong quy trình. Trước khi ra hoa 4 - 5 tuần (thường là khi bộ lá đã chuyển sang xanh đậm). Nên bón phân trước khi đọt non nhú ra, bón trễ đọt non đã xanh tốt, hoa ra ít hoặc hoa khó đậu tốt.
Có thể kết hợp phun thuốc tạo mầm hoa: pha 15 gram FoodMX2 (5 - 50 - 5 + 0,5B) hoặc HVP 10 - 50 - 10, F.Bo/8 lít, phun 2 lần, cách nhau 5 ngày, trước ngừng tưới (xiết) nước 1 tuần sẽ giúp cho cây tạo mầm hoa tốt.
Biện pháp xiết nước (tạo thời gian khô hạn đủ dài)
Dựa vào đặc tính ra hoa tự nhiên của cây có múi là sau một thời gian khô hạn, khi gặp mưa hoặc nước tưới thì cây sẽ ra đọt mới đồng thời với nụ hoa, sử dụng biện pháp xiết nước tạo khô hạn, kết hợp phun thuốc kích thích ra hoa.
Sau khi bón phân lần 2 khoảng 2 tuần bắt đầu xiết nước khoảng 15 - 25 ngày tuỳ vào mỗi vùng, tùy theo tuổi cây, thời tiết chi phối cho đến khi cây vừa "xào lá" (còn gọi là cuốn lá kèn), nghĩa là lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn thì tưới nước đẫm khoảng 3 ngày liên tục, mỗi ngày 1 lần, sau đó tưới rải ra. Có thể tưới nhấp nhẹ trước 1 ngày cho cây quen dần lại rồi mới tưới đẫm.
Nếu cây xào lá quá nhanh, cần tưới nhấp nhẹ để cho cây có đủ thời gian phân hóa mầm hoa, cây sẽ ra hoa tốt.
Chỉ nên xiết nước khi vườn cây trên 3 năm tuổi để không làm cây kiệt quệ, mất sức.
Tưới nước trở lại sau xiết nước
Sau khi xiết, cho nước lại vào trong mương vườn đến cách mặt đất 20 - 30 cm trong vòng 12 giờ, sau đó rút bớt nước ra cách mặt liếp 50 - 60 cm để không làm bộ rễ cây bị thiệt hại, gây mất sức cho cây.
Tưới nước trở lại vừa phải và bón phân theo khuyến cáo. Ngừng tưới và rút cạn nước khoảng 20 ngày đến khi cây có hiện tượng lá héo (xào lá) thì tưới nước trở lại có 2 cách như sau:
Cách 1
Tưới lại: 2 - 3 lần mỗi ngày, liên tục đến ngày thứ tư bón phân (tuỳ theo sinh trưởng của cây, lượng phân là 0,3 - 0,5 kg phân tổng hợp NPK 20 - 20 - 15 và 0,1 kg phân ure/ cây. Kết hợp phun thuốc kích ra hoa đồng loạt: pha 35 ml ra hoa C.A.T + 15 gram F.Bo/8 lít phun sương đều tán cây và trong thân cây 2 lần (5 ngày/lần).
Sau khi bón phân, tưới mỗi ngày 1 lần.
Cách 2: Vét bùn (sình) bồi luống (liếp)
Áp dụng như cách 1, nhưng có bồi sình (bùn).
Đầu tiên liếp được tưới đẫm.
Bồi sình một lớp dầy 25 cm, rút nước và không tưới.
Khoảng 20 - 25 ngày sau, sình khô (mặt sình nứt nẻ), tưới lại như cách 1.
Chú ý: Không được bồi sình lấp kín mặt gốc vì bộ rễ cây vẫn cần không khí để hô hấp trong thời gian chúng ta xử lý cây ra hoa.
Khoảng 7 - 15 ngày sau cây ra hoa, lúc này cần lượng nước vừa phải, ngày tưới ngày nghỉ (nếu tưới nhiều cây cây sẽ ra đọt). Giai đoạn này có thể phun thêm kali nitrat (nồng độ 0,51%)
Tưới nước, bón phân đầy đủ thúc cây sớm ra đọt và nụ hoa. Nếu dùng thêm KNO3 (0,51%) kết hợp với Atonik, thời gian xiết nước sẽ rút ngắn hơn.
Trong thời gian tạo khô hạn gặp lúc mưa thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa, tuy nhiên phải tốn chi phí để mua nylon và tỷ lệ ra hoa không cao.
Biện pháp ngắt lá trên cành mang quả
Ngắt lá trên cành để kích ra hoa. Sau khi thu hoạch xong cũng tiến hành bón phân với liều lượng tùy thuộc vào sự sinh trưởng và tuổi cây và làm vệ sinh vườn như: cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc...
Khi toàn bộ lá trên cây già và không có tượt non xuất hiện thì tiến hành ngắt bỏ lá trên cành mang quả (thường rất ngắn khoảng 10 - 20 cm). Cành này thường mọc ở cành 2 hoặc cành 3 của cây. Nếu không ngắt lá thì cành này cũng sẽ mang trái nhưng muộn hơn so với phương pháp ngắt bỏ lá trước.
Chú ý bắt đầu ngắt lá từ cành mang quả ở vị trí gần mặt đất trước sau đó tiến dần đến vị trí cao, nên chọn những cành già, thân và lá có màu xanh đậm. Tùy tình trạng sinh trưởng và tuổi cây mà cành này sẽ cho hoa nhanh hay chậm.
Tác động cơ giới
Khi bón phân chuồng chặt đứt bớt rễ có đường kính dưới 1 cm, bằng cách đào rãnh sâu 30 - 40 cm quanh hình chiếu tán, bón phân rồi lấp đất. Sau 20 ngày thì tưới nước trở lại, kết hợp với bón phân NPK cây sẽ ra hoa.
Biện pháp khoanh cành: Có tác dụng làm hãm vận chuyển nhựa trong cây và kích thích ra hoa, khoanh ở những cành cấp 1, 2. Khoanh tròn một vòng, độ rộng lát khoanh khoảng 12 mm. Khoanh xong, xử lý thuốc trừ nấm bệnh cho vết khoanh, dùng nilông quấn kín để tránh bị thối vết khoanh.
Xử lý bằng hóa chất
Việc xử lý bằng hóa chất cần thận trọng vì có thể gây hại cho cây. Nếu chưa có kinh nghiệm nên làm thử 1 vài cây với nồng độ xử lý từ thấp đến cao.
Vào tháng 12 dương lịch quan sát thấy nếu cây có khả năng ra lộc, dùng Ethrel nồng độ 500 ppm để kìm hãm sinh trưởng dinh dưỡng. Phun dung dịch lên lá hoặc tưới vào gốc vào ngày không có nắng hoặc buổi chiều.
Sau 30 ngày thì phun chất kích thích ra hoa: Thiurê (0,3%), kali nitrat (nồng độ 1%). Để tiện cho quá trình chăm sóc, bón phân NPK trước khi phun chất kích thích ra hoa 12 ngày. Sau phun tiến hành tưới nước sẽ giúp cây ra hoa.
Lưu ý: Để việc xử lý ra hoa được thành công thì trước giai đoạn xử lý cây không được bón quá nhiều phân có hàm lượng đạm cao; trong thời gian xử lý trên cây không được mang quá nhiều quả hoặc quả đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau; cây trong tình trạng khỏe mạnh, có bộ lá màu xanh và không được có lộc non.