Đó là thông tin được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật công bố tại họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sáng 3/7.
Theo ông Đỗ Hồng Khanh, Chánh Văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2025 đã gặp không ít khó khăn khi nhiều quốc gia nhập khẩu tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm. Các lô hàng sầu riêng bị cảnh báo chủ yếu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phát hiện kim loại nặng như cadimi và một số hóa chất cấm.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 5 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 386 triệu USD, giảm tới 58% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Linh Linh.
Trước tình hình này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng và phục hồi xuất khẩu. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương, doanh nghiệp và nông dân, thị trường sầu riêng đang dần lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt ghi nhận những tín hiệu tích cực từ phân khúc đông lạnh.
6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 5.217 lô sầu riêng tươi với sản lượng gần 130.000 tấn. Đáng chú ý, sầu riêng đông lạnh ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc với 388 lô xuất khẩu, đạt 14.282 tấn, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này đến từ chính sách mở cửa thị trường quan trọng, đặc biệt là việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vào tháng 8/2024. Đồng thời, việc thúc đẩy chế biến sâu, mở rộng phân khúc sản phẩm đã giúp giảm áp lực cho thị trường sầu riêng tươi và tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp đa dạng hóa xuất khẩu.
Trong tháng 5/2025, Bộ đã tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển sầu riêng bền vững, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Mô hình liên kết vùng trồng - cơ sở đóng gói - doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục được củng cố nhằm đảm bảo chất lượng, đồng thời khuyến khích đầu tư vào chế biến và logistics để nâng cao giá trị gia tăng.
Đáng chú ý, sau khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cử đoàn công tác do Bộ trưởng Đỗ Đức Duy dẫn đầu sang Bắc Kinh làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vào tháng 5/2025. Kết quả, 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói đã được khôi phục. Dự kiến từ ngày 12 – 17/7/2025, chuyên gia GACC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực địa chuỗi sản xuất, đóng gói và xuất khẩu sầu riêng.
Trước các yêu cầu khắt khe về dư lượng kim loại nặng, Bộ đã yêu cầu các phòng thử nghiệm tăng công suất kiểm tra cadimi và vàng O. Đến nay, có 24 phòng thử nghiệm cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O được GACC phê duyệt.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo thiết lập bản đồ phân bố cadimi tại các vùng trồng trọng điểm, triển khai lấy mẫu đất, nước và phân bón tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL để đánh giá nguy cơ ô nhiễm. Quy trình canh tác mới đã được ban hành, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học thay thế các loại phân có hàm lượng cadimi cao. Việc giám sát sẽ được thực hiện thường xuyên từ sản xuất đến đóng gói để hạn chế thấp nhất các trường hợp tái phạm.
Song song với các giải pháp kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói (CSĐG) theo hướng chặt chẽ, minh bạch và phù hợp thực tiễn. Dự thảo hiện đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và tổ chức tham gia chuỗi xuất khẩu, dự kiến sẽ ban hành trong vài ngày tới.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã hoàn tất số hóa toàn bộ dữ liệu về MSVT và CSĐG, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc trên toàn quốc. Tính đến tháng 6/2025, cả nước đã có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được cấp mã, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Hiện Bộ đang xin ý kiến lần hai đối với dự thảo Quy trình kiểm soát chất lượng tại CSĐG phục vụ xuất khẩu sầu riêng. Đây được xem là một trong những khâu trọng yếu giúp đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn ở khâu cuối cùng trước khi lên đường ra thị trường quốc tế.