Yêu cầu thiết kế nương đồi chè
Chè là loài cây sống lâu năm, có nhiệm kỳ kinh tế dài, sản phẩm dùng để uống. Do đó khi thiết kế nương chè cần phải đảm bảo cây sinh trưởng tốt và an toàn cho người tiêu dùng. Khi thiết kế nương đồi chè cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Phù hợp với quy mô sản xuất, chú ý đến vấn đề quy hoạch thủy lợi, giao thông.
Đất không nằm trong diện tích quy hoạch thì không được khai hoang.
Bảo vệ đất chống xói mòn, giữ độ phì, giữ ẩm, tiết kiệm đất đai.
Thiết kế nương chè cần có hệ thống đường đi lại thuận tiện.
Thuận tiện cho công tác quản lý kỹ thuật, vận chuyển, chăm sóc, thu hái.
Hệ thống đường đi lại tiện lợi để có thể sử dụng các công cụ cải tiến và cơ giới khi có điều kiện.
Cần chú ý đến các hạng mục phụ trợ như: hệ thống thủy lợi, đai rừng chắn gió, nhà tạm…
Chia khu, chia lô và hàng chè
Chia khu chè
Chia thành từng khu để tiện công tác quản lý, địa giới dựa vào địa hình tự nhiên như: suối, ngòi, đường phân thuỷ.
Diện tích khu chè thường lớn từ 20 - 100 ha.
Đồi chè chia thành từng lô, từng hàng.
Chia lô chè
Lô chè là đơn vị nhỏ nhất, có đường ra, vào lô.
Lô tối thiểu có chiều ngang 20 - 30 hàng chè, chiều dài 50 - 100 m, tương đương 2000 - 4000 m². Tối đa có chiều ngang 40 - 50 hàng chè, chiều dài 100 - 150 m, tương đương 5000 - 7000 m².
Lô quá to bất tiện trong chăm sóc. Lô quá nhỏ tốn diện tích, mất hàng chè và đường đi.
Hàng chè
Nơi đồi có độ dốc bình quân dưới 60 độ (cục bộ có thể 80 độ), thiết kế hàng chè thẳng theo hàng dài nhất, song song với đường bình độ chính, hàng xép xếp ở bìa lô.
Nơi đồi có độ dốc bình quân trên 60 độ, thiết kế hàng theo đường đồng mức, hàng xép xếp xen kẽ và tập trung thành nhóm số chẵn.
Bố trí hàng chè có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và tuổi thọ của nương chè, phương pháp bố trí tuỳ thuộc vào độ dốc của đồi chè.