Nhiệt độ
Nhiệt độ cho hành tây sinh trưởng thay đổi theo từng thời kỳ của cây.
Hạt hành tây bắt đầu nảy mầm ở 2 - 3°C với độ ẩm đất 80 - 90%, hạt nảy mầm nhanh ở nhiệt độ 20 - 22°C.
Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng là 22 - 25°C, nhiệt độ cho thân củ sinh trưởng tốt là 18°C.
Khi nhiệt độ tăng cao 30 - 32°C, cây sinh trưởng rất nhanh, nhưng chóng tàn và năng suất giảm.
Khả năng chịu nhiệt độ thấp của hành khá tốt, cây trưởng thành chịu rét tốt hơn cây nhỏ, có thể chịu -7°C.
Ánh sáng
Hành tây là cây ưa sáng, sự thay đổi phụ thuộc vào giống, có thể phân chia thành 2 nhóm:
Giống ngày ngắn: Hình thành củ trong điều kiện thời gian chiếu sáng ngắn 10 - 12 giờ. Những giống thuộc nhóm này là giống chín sớm.
Giống ngày dài: Hình thành củ trong điều kiện chiếu sáng dài trên 15 giờ/ngày. Thời gian chiếu sáng từ 12 - 16 giờ/ngày các quá trình của cây được tăng trưởng mạnh.
Thời gian chiếu sáng ngắn 8 giờ/ngày làm giảm khả năng tổng hợp vitamin C, tăng cường sự sinh trưởng của lá, kéo dài thời gian sinh trưởng, không tạo củ.
Ánh sáng ngắn, nhiệt độ cao, diện tích dinh dưỡng lớn sẽ kích thích sự ra lá trên cây, số lá tăng, cây có dạng bụi.
Độ ẩm
Khi hạt giống hành tây nảy mầm, cần nhiều nước do hạt có nhiều góc cạnh, vỏ dày, nước xâm nhập vào hạt khó khăn.
Rễ hành yếu nên không chịu khô hạn. Vì vậy thời kỳ nảy mầm đến khi cây có 4 - 5 lá thật yêu cầu độ ẩm cao, đất phải ẩm thường xuyên. Khi thiếu ẩm lá ngừng sinh trưởng, củ nhỏ.
Nơi có bức xạ lớn, bốc hơi nước nhiều, lượng mưa không đủ thì tưới nước là biện pháp kỹ thuật quan trọng tăng năng suất của hành.
Độ ẩm đất ở các thời kỳ sinh trưởng từ 70 - 80%. Độ ẩm không khí thấp 45 - 55%, độ ẩm không khí cao cây dễ bị bệnh hại.
Những vùng khô hạn, độ ẩm khó khống chế, độ ẩm thấp ảnh hưởng đáng kể đến hình dạng củ và thời gian thu hoạch do hệ rễ bị khô héo và chết. Nước quá dư thừa sẽ làm cho cây hành không chín già và khô do cổ hành to, sù.