Mô hình trang trại nuôi trùn quế của anh Trần Hữu Nguyễn (32 tuổi, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) được đánh giá mang lại lợi nhuận kinh tế cao, giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính.
Bà Hồ Thị Bích Linh - Trưởng Ban Kinh tế xã hội thuộc Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn là mô hình điểm, mang lại hiệu quả cao, bảo vệ môi trường nằm trong Dự án "tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án này được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện tại TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng và huyện Đạ Huoai (huyện Đạ Tẻh cũ) từ năm 2022 đến năm 2024. Đến nay, dự án đã đạt được kết quả cao, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương”.

Anh Nguyễn (áo đen) giới thiệu về mô hình nuôi trùn quế của gia đình mình.
Tại trang trại nuôi trùn quế của mình, anh Nguyễn cho biết, từ năm 2021, anh từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê nhà Lâm Đồng và bắt tay xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Tại mô hình, anh Nguyễn nuôi heo rừng lai, tuy nhiên, chất thải từ heo rừng lai đã làm cho môi trường xung quanh bị ảnh hưởng.
Chính vì thế, anh Nguyễn phải tìm hiểu cách để xử lý khối lượng lớn chất thải của heo. Sau đó, qua tìm hiểu, anh Nguyễn đã biết được mô hình nuôi trùn quế từ phân heo, phân bò. Chính vì vậy, anh đã bắt tay vào việc xây dựng khu vực nuôi trùn quế trong mô hình nông nghiệp tuần hoàn của mình.

Mô hình nuôi trùn quế giúp anh Nguyễn có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
“Trong quá trình làm, tôi cũng đã được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng và huyện Đức Trọng hướng dẫn để thực hiện bài bản. Hiện nay, khu vực nuôi trùn quế của tôi rộng khoảng 400m2. Tại đây, tôi xây dựng hệ thống bể xi măng dài khoảng 20 mét, rộng 2 mét và cao khoảng 50cm.
Trước khi cho phân chuồng vào bể xi măng, tôi lót lưới bên dưới để khi tưới thì nước sẽ dễ dàng thoát ra, vẫn đảm bảo độ ẩm nhưng không bị úng nước. Trung bình, mỗi bể này tôi chứa được khoảng 4 tấn phân chuồng. Khoảng 3-4 tháng thì trùn quế sẽ tiêu hóa hết khối lượng phân bỏ vào và thải ra phân trùn quế rất tốt cho cây trồng”, anh Nguyễn chia sẻ.
Anh Nguyễn cho biết, trung bình 1 tháng anh bán ra thị trường từ 10 - 12 tấn phân trùn quế với giá 3,5 triệu đồng/tấn. Phân trùn quế còn được anh bón cho cà phê, sầu riêng, chuối trên diện tích 1,2ha đất của mình. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Nguyễn có thu nhập khoảng 400 triệu đồng nhờ bán phân trùn quế.