Khi mùa mưa tại miền Tây bắt đầu, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho nhiều nấm bệnh phát triển mạnh. Việc phòng trừ của các nhà vườn chưa triệt để làm bệnh khó quản lý và lây lan nhanh. Nấm bệnh gây hại trên tất cả các loại cây ăn trái, đặc biệt nấm bệnh gây vàng lá thối rễ trên cây sầu riêng.
Ở miền Tây bệnh xuất hiện nhiều hơn so với miền Đông do đặc thù vùng miền, mực thủy cấp cao, khả năng thoát nước kém, đất trũng thấp. Sau đây, Thạc sĩ Lê Thanh Hùng, người có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc, tư vấn trực tiếp các vườn cây sầu riêng của bà con ở Nam Bộ sẽ hướng dẫn bà con cách xử lý bệnh vàng lá thối rễ sầu riêng mùa mưa.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân trực tiếp gây bệnh là do các loại nấm Fusarium, Pythium, Phytophthora, trong đó nấm Phytophthora palmivora là chủ lực.
Ngoài ra, tuyến trùng gây tổn thương rễ tạo điều kiện nấm bệnh xâm nhiễm nhanh hơn. Bệnh có thể gây hại trên vườn sầu riêng mới trồng hoặc vườn sầu riêng đã cho trái nhiều năm.
Điều kiện phát sinh phát triển bệnh
- Vườn thoát nước kém, bị ngập úng trong mùa mưa. Nấm Phytophthora xâm nhiễm rễ cây bằng động bào tử có roi bơi được trong nước, mùi rễ cây ngập nước hấp dẫn chúng đến tấn công và lây lan khắp nơi. Rễ cây bị ngập thiếu ôxy để hô hấp, chất độc tích lũy trong đất lâu ngày làm rễ bị ngộ độc và suy yếu, dễ bị nấm tấn công.
- Tàn dư thực vật nhiễm bệnh bỏ trong mương vườn, bệnh lây lan qua nước tưới, dòng chảy mương vườn.
- Đất trồng thiếu phân hữu cơ, bón phân hóa học thời gian dài làm đất bị chua, đất dẽ chặt, ít vi sinh vật có lợi, pH thấp < 5 là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.
Triệu chứng gây bệnh
- Trên cây: Bệnh nhẹ cây ra đọt non chậm, hoặc không ra đọt so với cây bình thường, lá hơi bị vàng, chóp lá bị cháy. Khi bệnh nặng cả cây bị vàng lá và rụng nhiều, cây còi cọc, các nhánh non đầu cành bị rụng hết lá và khô chết.
- Trên rễ: Khi xới lớp đất mặt sẽ thấy phần rễ mền bị thối có màu nâu, vỏ rễ bị tuột ra. Bệnh nặng làm rễ lớn bị thối đen và khô, mất khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng nuôi cây, cây trở nên còi cọc, rụng lá. Toàn bộ rễ cái bị chết dẫn đến chết cả cây.
Biện pháp phòng trừ
- Kiểm tra lại hệ thống thoát nước, không để ngập úng kéo dài trong mùa mưa, vệ sinh vườn, nguồn nước tưới sạch bệnh. Trồng cỏ hợp lý để giữ ẩm trong mùa nắng và chống xói mòn trong mùa mưa.
- Bón bổ sung phân chuồng, bón vôi hằng năm để giúp đất tơi xốp, tăng pH của đất, hạn chế các loại nấm bệnh trong đất (pH từ 5-6 là tốt nhất). Bón phân hữu cơ kết hợp nấm đối kháng Trichoderma vào các đợt bón phân trong năm giúp tốt đất, tốt cây. Áp dụng biện pháp rải vôi để nâng pH và sát khuẩn mô đất.
- Xử lý các tác nhân gây vết thương, mở đường cho nấm bệnh xâm nhiễm vào cây như tuyến trùng rễ, mối, sùng trắng, xén tóc bằng các gốc thuốc sinh học hoặc hóa học: Oxymatrine, Matrine (dịch chiết từ cây khổ sâm), Celastrus angulatus, Chlorantraniliprole, Deltamethrin, Diafenthiuron, Alpha-cypermethrin.
- Tưới ngừa bằng các gốc đồng, các gốc Metalaxyl, Mancozeb + metalaxyl, Phosphorous acid, Fosetyl-aluminium Liều ngừa và trị theo khuyến cáo nhà sản xuất
* Chú ý: Trước khi xử lý thuốc trừ bệnh cần vệ sinh vườn, thu dọn cỏ dại, lá cây dưới gốc, xới nhẹ gốc bằng cuốc 3 răng để toàn bộ lượng thuốc tưới thấm vào rễ cây nhanh hơn.
- Để quản lý tốt, bà con cần chú ý đến chế độ canh tác: Bón phân cân đối, không lạm dụng chất kích thích, tỉa bông, tỉa trái, quản lý sâu bệnh trên lá tốt và phải thăm đồng thường xuyên.
ThS. Lê Thanh Hùng