Chuẩn bị đất
Vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch của địa phương; không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân có hại như nước thải thành phố, nước thải bệnh viện, công nghiệp, bụi công nghiệp.
Đất trồng thích hợp là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng.
Đất chủ động tưới, tiêu. Hàm lượng kim loại nặng trong đất không vượt mức tối đa cho phép.
Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống mặt luống rộng 1,0 - 1,2 m; cao 20 - 25 cm. Nếu trồng vào những tháng mưa nhiều cần làm luống cao để hạn chế cây bị ngập úng. Rãnh luống 20 - 25 cm để thuận lợi cho việc tưới tiêu nước.
Làm đất kỹ và lên luống.
Chuẩn bị phân bón lót
Tiêu chuẩn phân bón:
Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.
Ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.
Không sử dụng phân có nguy cơ ô nhiễm cao như: phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chưa qua xử lý (ủ hoai mục) để bón trực tiếp cho su hào.
Lượng phân bón lót cho 1 ha:
Tùy vào vùng sản xuất, giống và thời vụ được bón với mỗi ha khối lượng như sau:
Phân chuồng ủ hoai mục: 20 - 25 tấn/ha.
Lượng phân NPK: 30 - 40 kg N + 80 - 100 kg P2O5 + 20 - 25 kg K2O
Nếu không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Rạch hàng bón phân.
Cách bón:
Sau khi đất đã được lên luống xong, rải phân lên mặt luống hoặc có thể bón theo hàng, sau đó dùng cào/cuốc để lấp kín phân.