Đảm bảo nước trên ruộng lúa gieo thẳng ở miền Bắc và sạ ướt ở miền Nam
Từ gieo đến mũi chông cần giữ đủ ẩm, sau gieo 4 - 6 ngày có thể đưa nước tráng mầm. Lúa có từ 2 lá trở đi thường xuyên giữ nước trong ruộng từ 2 - 3 cm cho lúa đẻ và cho rễ lúa ăn sâu.
Từ khi lúa bắt đầu đẻ nhánh thực hiện tưới "ướt - khô xen kẽ" như sau:
Tuần đầu tiên sau sạ:
Giữ mực nước từ bão hòa đến cao khoảng 1 cm. Mực nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1 - 3 cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến lúc bón phân lần 2 (khoảng 20 - 25 ngày sau sạ), giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển.
Giữ nước trong ruộng ở giai đoạn này sẽ hạn chế được sự mọc mầm của các loài cỏ, bởi có nước làm môi trường thành yếm khí, hạt cỏ sẽ không mọc được và cũng cần sử dụng thuốc trừ cỏ phù hợp ở giai đoạn này.
Giai đoạn từ 25 - 40 ngày:
Đây là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ và tối đa, phần lớn chồi vô hiệu thường phát triển ở giai đoạn này, nên chỉ cần nước vừa đủ. Lúc này giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm (đặt ống nhựa có đục lỗ lên hàng, bên trong có chia vạch 5 cm để theo dõi).
Khi nước xuống thấp hơn 15 cm thì bơm nước vào ruộng ngập tối đa 5 cm so với mặt đất ruộng. Khi nước hạ từ từ xuống dưới vạch 15 cm thì bơm nước vào tiếp.
Ở giai đoạn này, lá lúa phát triển giáp tán, hạt cỏ có nảy mầm cũng không phát triển và cạnh tranh được với cây lúa. Đây cũng là giai đoạn cây lúa rất dễ bị bệnh khô vằn tấn công, mực nước không cao làm hạch nấm khô vằn sẽ không phát tán trong ruộng, bệnh ít lây lan. Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng, vì vậy nên gọi phương pháp này là “tưới ướt khô xen kẽ’’.
Mực nước dưới mặt đất càng xa (nhưng không thấp hơn 15 cm so với mặt ruộng) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, vừa chống đổ ngã, vừa dễ thu hoạch.
Giai đoạn lúa 40 - 45 ngày: Là giai đoạn bón phân lần 3 (bón đón đòng). Lúc này cần bơm nước vào khoảng 1 - 3 cm trước khi bón phân, nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và phân bị bốc hơi, nhất là phân đạm.
Giai đoạn lúa 60 - 70 ngày: Đây là giai đoạn lúa trổ nên cần giữ nước cho cây lúa trổ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép lửng.
Giai đoạn cây lúa 70 ngày đến trước thu hoạch 10 ngày: Là giai đoạn lúa ngậm sữa, vào chắc và chín nên chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15 cm (khi cần thiết thì bơm nước vào thêm).
Giai đoạn 10 ngày trước khi thu hoạch: Để mặt ruộng được khô ráo, dễ cho việc sử dụng máy gặt.
Đảm bảo nước ở ruộng sạ khô
Những trận mưa đầu mùa phải cho nước thoát hết ra khỏi ruộng. Với ẩm độ còn lại trong đất, hạt có thể nẩy mầm được.
Đến khi mưa nhiều lượng chất độc hòa tan đã giảm, nên giữ nước lại cho lúa phát triển, mực nước tốt nhất là từ 5 - 10 cm cho đến 10 ngày trước khi thu hoạch.
Đảm bảo nước ở ruộng sạ ngầm
Sau khi sạ cần giữ nước yên tĩnh, không cho nước sông tràn vào làm đục nước và trôi hạt.
Khi lúa đã mọc cao khoảng 10 - 20 cm nên lợi dụng những con nước ròng vào những ngày nước kém trong tháng để rút bớt nước ra, nhưng phải rút từ từ và không được rút cạn. Cây lúa vươn cao trong nước sẽ ốm yếu, dễ ngã rạp và bị vùi vào bùn. Điều chỉnh nước ruộng hết sức quan trọng trong việc sạ ngầm.