Chuẩn bị đất
Chọn đất nơi cao ráo, chủ động tưới tiêu.
Làm đất kỹ, lên luống rộng 0,8 - 1,0 m; cao 25 - 30 cm, có rãnh rộng 25 - 30 cm để thoát nước.
Phủ trên mặt luống một lớp dày 2 cm hỗn hợp phân hữu cơ hoai mục và đất bột (tỷ lệ 1:1).
Chuẩn bị hạt giống
Mua hạt giống tại các cửa hàng bán hạt giống rau uy tín, xuất xứ rõ ràng.
Ngâm ủ hạt giống để hạt nảy mầm nhanh và đồng đều.
Hạt giống su hào.
Cách ngâm, ủ hạt giống:
Bước 1: Thúc mầm hạt giống: Ngâm nước ấm 40 - 45oC (2 sôi:3 lạnh) khoảng 15 - 20 phút.
Bước 2: Vớt hạt ra, đãi sạch, loại bỏ hạt lép.
Bước 3: Để hạt vào khăn bông ẩm (đã vắt ráo) gói lại. Đặt gói hạt vào bao nilon hoặc hộp nhựa đậy kín miệng chống bốc hơi thoát nước.
Bước 4: Theo dõi sau 48 giờ ủ hạt bắt đầu nảy mầm thì đem gieo. Không nên để hạt nảy mầm quá dài, rễ mầm dễ bị gãy trong khi gieo.
Cách gieo:
Gieo vãi: Gieo hạt đều trên mặt luống, không chồng chéo lên nhau. Gieo xong rắc một lớp đất mỏng khoảng 0,5 cm rồi xoa đều trên mặt để lấp kín hạt. Dùng rơm rạ chặt ngắn hoặc trấu phủ một lớp mỏng kín mặt luống.
Gieo hàng: Dùng ngón tay hay que rạch thành hàng sâu khoảng 1 cm. Hàng cách hàng 5 - 6 cm. Gieo hạt theo hàng đã rạch. Gieo xong xoa đều trên mặt để lấp kín hạt. Có thể phủ trấu một lớp mỏng kín mặt luống để khi tưới đất không bị rửa trôi và hạn chế đất bị dí chặt.
Gieo theo hàng.
Chăm sóc cây con
Tưới nước
Khay ươm hạt phải được giữ ẩm thường xuyên (70 - 80%), đặc biệt giai đoạn mới gieo.
Sử dụng nước sạch tưới cho cây. Ở giai đoạn cây con nên dùng ô doa để tưới hoặc dây tưới phải có đầu doa.
Trời nắng nóng, độ ẩm thấp, đất khô hanh, có thể 2 lần/ngày. Tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Trời rét, tùy độ ẩm đất, tưới 1 lần/ngày hoặc 2 lần/ngày. Tưới vào lúc 10 - 11 giờ sáng hoặc 3 - 4 giờ chiều.
Trước khi nhổ cây giống 4 - 5 giờ, phải tưới đẫm nước cho đất mềm, nhổ cây không bị đứt rễ hoặc hỏng cây.
Khi tưới nước cho cây con vào buổi chiều thì cần tưới lượng vừa đủ để đến đêm nước trên thân, lá hoàn toàn khô.
Tưới đủ để đất ngấm hết nước, không còn đọng lại trên mặt nhằm hạn chế cây bị chết thắt thân.
Tỉa cây
Nên tỉa thưa vào buổi tối.
Khi cây con được 1 - 2 lá thật tiến hành tỉa, hầu hết các cây sẽ cao từ 5 - 8 cm để dễ dàng nắm và kéo ra.
Tỉa bỏ các cây xấu, cây nhỏ, cây còi cọc, cây bị sâu bệnh.
Ngoài ra, nên tiến hành việc tỉa thưa vào buổi tối để các cây còn lại có cơ hội điều chỉnh trước khi tiếp xúc với ánh nắng.
Bón phân thúc
Cây ươm không cần bón nhiều phân thúc. Chỉ bón phân thúc khi cây sinh trưởng phát triển kém với lượng như sau:
Phân Đạm 0,1 - 0,5% pha với nước sạch (10 - 50 gram pha trong 10 lít nước).
Bón thúc tối đa 2 lần (lần 1 khi cây có 2 - 3 lá thật, lần 2 sau lần 1 khoảng 7 - 10 ngày).
10 ngày, trước khi nhổ đi trồng không được bón thúc. Không nên bón thúc nhiều lần làm giảm khả năng chống chịu kém, khi đem trồng tỷ lệ sống kém.
Luyện cây
Trước khi nhổ cây 5 - 7 ngày cần giảm nước tưới từ từ đến mức khi còn 2 ngày nữa cây bắt đầu chớm héo thì tưới nhẹ trở lại, để cây không chết, nhưng vẫn ở tình trạng thiếu nước.
Luyện để cây cứng cáp, khi trồng ra ruộng cây nhanh bén rễ, tỷ lệ cây sống sẽ cao. Mặt khác, giảm tưới, đất co lại sẽ dễ nhổ cây ra khỏi luống.
Để đảm bảo cây sạch bệnh khi xuất vườn, trước khi nhổ 2 - 3 ngày phun cho cây giống 1 lần thuốc phòng trừ nấm, sử dụng thuốc có hoạt chất Azoxystrobin (min 93%), Eugenol (min 99%).
Quản lý sâu bệnh hại
Ở giai đoạn vườn ươm thường xuất hiện một số bệnh: lở cổ rễ, thối nhũn… và số loại sâu như sâu xám, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, bọ nhảy… cần chú ý để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.
Các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh này được trình bày ở phần sau.
Tiêu chuẩn cây giống
Cây có phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.
Cây có 4 - 5 lá thật thì nhổ trồng hoặc sau khi gieo hạt 20 - 25 ngày cây con sẽ đạt tiêu chuẩn xuất vườn.
Cây không bị sâu, bệnh. Tưới nước đẫm trước khi nhổ 1 giờ.
Ngoài ra, khi chọn cây giống bạn nên chọn cây to, khoẻ mạnh, không bị dập nát và đúng giống.