Từ bỏ công việc thợ mỏ sau nhiều năm gắn bó, anh Hoàng Văn Cường, thôn Nam Hưng, xã Song Lãng (Vũ Thư) trở về quê tích tụ gần 10ha đất lúa để làm nông nghiệp, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương mà anh ấp ủ bấy lâu.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông, từ nhỏ anh Cường đã quen với công việc đồng áng. Tuy nhiên, thu nhập từ nông nghiệp trước đây rất thấp nên khi trưởng thành anh ra Quảng Ninh làm thợ mỏ. Dù công việc mang lại thu nhập khá nhưng nỗi nhớ quê luôn thường trực trong anh, trở thành động lực thôi thúc anh từ bỏ công việc trở về quê hương với quyết tâm làm giàu từ ruộng đồng.

Anh Hoàng Văn Cường, thôn Nam Hưng, xã Song Lãng cải tiến máy cày thành máy lên luống, bới khoai giúp giảm chi phí nhân công.
Anh Cường chia sẻ: Thời gian gần đây, do chuyển dịch cơ cấu lao động, phần lớn người dân đi làm ở các công ty, xí nghiệp, lao động còn lại chủ yếu là người già nên nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang. Là người gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, thấy cảnh ruộng bỏ không tôi xót xa và quyết định đứng ra thuê, mượn lại đất của người dân để sản xuất. Ban đầu việc tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn do có hộ đồng thuận, có hộ không.
Hiện nay anh Cường đã tích tụ được gần 10ha đất sản xuất, phần lớn diện tích liền vùng, liền thửa. Một số diện tích nhỏ bị xen kẹp do chưa mượn được hết gây khó khăn trong bố trí cây trồng và chăm sóc. Tại các cánh đồng trũng, anh cấy lúa, đồng cao trồng cây màu, khoảng 1ha chuyên canh màu và 2,5ha trồng cây vụ đông, chủ yếu là khoai tây. Để giảm chi phí và tăng năng suất, anh đầu tư hệ thống máy móc gồm 3 máy cày cỡ lớn, máy cấy...

Ngoài phần lớn diện tích cấy lúa, anh Hoàng Văn Cường, thôn Nam Hưng, xã Song Lãng dành khoảng 1ha chuyên trồng rau màu các loại.
Đặc biệt, anh còn cải tiến máy cày thành máy lên luống, máy bới khoai, phục vụ sản xuất và làm dịch vụ cho người dân trong xã, địa phương lân cận. Các khâu như làm đất, vun luống, bón phân, phun thuốc, làm cỏ, thu hoạch đều được cơ giới hóa. Gia đình hiện thuê 3 lao động thường xuyên, lúc cao điểm thuê 15 - 20 lao động.
Bà Phạm Thị Nhàn, thôn Phú Mãn chia sẻ: Tôi làm thời vụ cho gia đình anh Cường đã 3 năm, chủ yếu là làm thời vụ. Nhờ cơ giới hóa, chúng tôi chủ yếu làm các việc nhẹ như dặm lúa, trồng khoai... với mức thu nhập 150.000 đồng/ngày. Những việc nặng, cần tay nghề cao thì được trả 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Cường thu về hơn 500 triệu đồng.