Lúa thu hoạch vừa xong, chủ ruộng ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thuê máy cày đến cuộn rơm thật gọn, sau đó chuyển lên bờ đê chờ thương lái đến mua đem đi. Với nghề cuộn rơm-nghề nhặt rác trên đồng, mỗi người thợ có thể thu 2 - 3 triệu/ngày.
Theo anh Trần Vinh Sơn (SN 1986, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - một thợ cuộn rơm, lúa cắt xong, rơm cũng nhanh chóng được máy cuộn lại gọn gàng. Mỗi cuộn cân nặng 20 - 22kg. Từ đó, rơm được người thu mua đưa lên máy cày vận chuyển đến điểm tập kết mang đi tiêu thụ hoặc đưa về các kho chứa chờ ngày đem bán ở địa phương khác.

Nông dân huyện Vĩnh Hưng bán rơm cho thương lái đến thu mua tại cánh đồng vừa thu hoạch lúa. Ảnh: Thiên Long
“Trước đây, rơm chỉ đốt bỏ giờ được gom lại bán. Thương lái thỏa thuận mua rơm 500.000 - 700.000 đồng/ha. Nhờ đó mà nông dân có thêm nghề cuộn rơm kiếm thêm thu nhập”, anh Sơn thổ lộ.

Số lượng lớn cuộn rơm được bốc vác chuyển lên xe chở xe kho để bán chop thương lái. Ảnh: Thiên Long
Anh Lưu Quốc Hoàng (SN 1979, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) chủ máy cuộn rơm khá nổi tiếng nơi đây cho biết, mấy năm gần đây, nhu cầu mua rơm cuộn phục vụ trồng trọt, chăn nuôi tăng cao. Rất đông thương lái các huyện và ngoài tỉnh đặt mua rơm từ rất sớm.
Do gia đình có máy cày nên anh Hoàng chỉ cần đầu tư thêm máy cuộn rơm để cuộn thuê hoặc đi mua rơm rồi cuộn đem bán cho khách hàng.
“Với một chiếc máy cuộn, một người có thể cuộn được 500 - 700 cuộn rơm/ngày. Giá thuê 5.000 đồng/cuộn, trừ chi phí, tôi có thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng/ngày”, anh nói.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) nhận vận chuyển rơm cuộn từ ruộng đến kho chứa với mức giá 6.000 đồng/cuộn. Gia đình có 2 chiếc xe kéo cùng 8 người làm thuê, một ngày, tổ vận chuyển của ông có thể chở khoảng 1.500 cuộn rơm khô về kho chứa.
Trừ chi phí trả nhân công 400.000 - 500.000 đồng/người/ngày, ông kiếm được 3 - 4 triệu đồng/ngày. Đối với thương lái, mỗi vụ có thể bán được vài chục ngàn cuộn rơm, thu nhập ít nhất 60 triệu đồng cho mùa vụ.
Theo anh Ngô Hoài Tâm (44 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), một người thu mua rơm, hơn 5 năm nay, nghề chăn nuôi, trồng trọt, làm nấm rơm ở một số tỉnh phát triển mạnh nên nhu cầu rơm càng nhiều. Đó là lý do rơm hút hàng ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An) những năm qua.
Trung bình mỗi vụ, anh trữ khoảng 40.000 cuộn rơm để bán cho thương lái các tỉnh, như: Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Nai, Bình Thuận,... Hiện tại, giá rơm mua vào khoảng 17.000 đồng/cuộn, vận chuyển đến các tỉnh bán dao động 22.000 - 25.000 đồng/cuộn, có thời điểm hơn 30.000 đồng/cuộn.
Nỗi lo lớn nhất của những người làm nghề thu mua rơm là rơm rất dễ cháy. Chỉ cần tàn thuốc có thể thiêu rụi gia sản lớn của thương lái hoặc chủ thu mua rơm.
“Với diện tích 4 ha, tôi bán được 2,8 triệu đồng tiền rơm. Số tiền này để trang trải chi phí cho vụ mùa sắp tới, tuy không nhiều nhưng cũng giảm bớt gánh nặng chi phí", anh Bé chia sẻ.
Huyện Tân Hưng mùa khô năm ngoái đã xảy ra cháy kho chứa rơm, thiêu rụi hoàn toàn tài sản của nhà nông.